Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
PortalliTrang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập

 

 ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA

Go down 
4 posters
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3  Next
Tác giảThông điệp
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeWed Aug 29, 2007 8:13 pm

Làng An là vùng tranh chấp giữa ta và địch. Từ cuối năm 1962, khi cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam xuất hiện trên nóc chợ Chùa, khí thế của quần chúng bắt đầu dâng cao. Bọn địch hoảng sợ, tìm cách tranh giành ảnh hưởng. Đêm đến chúng cho bọn tuyên văn tác vụ đem khẩu hiệu về căng trong chợ, hi vọng sẽ đánh một đòn chính trị, gây tiếng vang trong vùng. Nhưng hành động lén lút của chúng đã bị các em tổ thiếu nhi xóm Chùa phát hiện. Ngay trong đêm các em đã ra tháo khẩu hiệu của chúng xuống xem và nghĩ ra cách sửa lại nội dung câu khẩu hiệu, rồi đem treo lại chỗ cũ. ở câu "Toàn dân tham gia chống cộng", các em chỉ bỏ đi chữ "chống", thành câu "Toàn dân tham gia cộng" và thêm dấu than vào cuối câu . ở câu "Toàn dân tri ân Ngô Tổng thống", các em bỏ đi chữ ân, thêm dấu nặng vào chữ tri, thành "Toàn dân trị Ngô Tổng thống" và cũng thêm dấu chấm than vào cuối câu. Sáng ra bà con đến chợ, nhìn thấy hai câu khẩu hiệu, đã được một mẻ cười thỏa dạ. Bọn địch không ngờ chính "gậy ông lại đập lưng ông".

Xóa, sửa khẩu hiệu của địch để đánh địch, đồng thời các em thiếu niên, nhi đồng miền Nam cũng đã sáng tạo nhiều cách để treo khẩu hiệu, thả truyền đơn của ta. Tại thị xã Buôn Ma Thuột, tổ thiếu niên bí mật của thị xã có sáng kiến treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam vào bóng bay thả lên cao, cho mắc lên ngọn cây đa gần dinh tên tỉnh trưởng bù nhìn. Lợi dụng những cơn gió lốc vào buổi chiều, các em thả truyền đơn để gió mang theo vào rải khắp thị xã. Em Hùng là một thiếu niên ở thị xã còn tìm cách làm quen, lân la chơi với bọn Mỹ. Khi chúng không để ý đã bí mật dán cờ giải phóng lên lưng chúng. Không biết có cờ giải phóng trên lưng nhiều tên lính Mỹ cứ ung dung đi lại trên đường phố.

Còn ở ngay giữa trung tâm Sài Gòn, khi tên cố vấn giáo dục của Mỹ đến thăm một lớp đệ tam (tương đương lớp 8 phổ thông hiện nay) của trường trung học Nguyễn Huệ. Lúc tên cố vấn Mỹ đang huênh hoang về sự ưu việt của nền giáo dục Hoa Kỳ thì bất ngờ quạt trong lớp học được mở hết cỡ. Hàng trăm tờ truyền đơn bằng hai thứ tiếng Việt, Mỹ: "Đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam", "Đả đảo nền giáo dục vong bản nô lệ", "Đả đảo bọn mật vụ", "Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam muôn năm", được dịp tung ra, bay khắp lớp học. Cả phòng học ồn ào. Các em reo hò. Tên cố vấn hoang mang, còn hiệu trưởng, giám thị thì cuống cuồng, lo sợ.

Trong công tác binh, địch vận, thiếu niên, nhi đồng các tỉnh miền Nam cũng có những việc làm sáng tạo, góp phần vận động nhiều binh sĩ địch quay súng trở về hàng ngũ kháng chiến của nhân dân. ở miền Nam Trung Bộ, có một em gái mồ côi, bị mù cả hai mắt. Khi quê em còn là căn cứ giải phóng, những đêm tổ chức liên hoan văn nghệ, em vẫn thường lên hát cho bà con cô bác nghe. Em có giọng ca thật ngọt ngào. Bà con cô bác ai cũng thương, cũng tìm cách đùm bọc em. Từ khi địch dồn dân vào ấp chiến lược, bà con bị o ép, làm ăn khó khăn, em phải tự kiếm sống bằng nghề hát dạo. Đàn không có, em kiếm một mảnh tre già và một cây dùi gõ nhịp. Thường ngày em hay lân la đến chỗ bọn bảo an trong bót và bọn dân vệ gác ấp, gác nhà hội đồng, hát cho bọn chúng nghe. Lời ca của em thật thống thiết, như xoáy vào tim bọn lính nguỵ:

Ai xui nên họa đao binh
Nhà tan cửa nát, sinh linh điêu tàn
Dừa xanh gục cháy thành than
Ruộng vườn bỏ cỏ, không làm sao ăn?
Ước mong sao sớm thanh bình...

Vừa ca, em vừa dùng đôi tai thính nhạy của mình nhận biết tâm trạng của từng tên lính địch, rồi bí mật báo cho các cán bộ đằng mình, để các cô, chú có cách vận động chúng bỏ hàng ngũ địch. Qua những thông tin do em cung cấp ta đã xây dựng được cơ sở binh vận nội tuyến, tạo điều kiện để khi có thời cơ, bà con đã phá ấp chiến lược trở về làng cũ làm ăn.

ở Quảng Nam và Đà Nẵng, khi quân Mỹ đổ vào đông, cũng như các anh, chị lớn tuổi, các em thiếu nhi đã có phong trào học tiếng Mỹ để nói chuyện trực tiếp với lính Mỹ. Vốn tiếng Mỹ tuy ít, nhưng vừa nói vừa ra hiệu, dần dần các em cũng hiểu được trong hàng ngũ binh sĩ Mỹ cũng có nhiều người không muốn đi lính làm bia đỡ đạn, không muốn có chiến tranh. Cứ như thế các em nắm tin tức mọi mặt đội quân viễn chinh Mỹ, góp phần vận động binh sĩ Mỹ chống chiến tranh. ở Hòa Hải, các em trong đội thiếu niên du kích của địa phương còn vận động được cả một lính Mỹ ra với Mặt trận kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Vốn là lứa tuổi hồn nhiên, thích được tự do ca hát, khi bị dồn vào ấp chiến lược, bị giam hãm trong tù túng, nhiều em vẫn lén tụ tập ca hát với nhau. ở Bến Cầu, một huyện giáp biên giới với Campuchia, có quốc lộ 1A từ Sài Gòn đi Phnômpênh chạy qua, lại có rừng Nhum mênh mông, từng là căn cứ của cách mạng. Trong nhiều năm là vùng giải phóng, các em thiếu nhi đã từng được sinh hoạt Đội, được các anh, chị dạy ca hát, vui chơi tập thể. Khi trở thành trọng điểm dồn dân, lập ấp chiến lược của Mỹ - Nguỵ, các em nhớ vườn, nhớ nhà, thỉnh thoảng vẫn cùng nhau ca những bài hát cách mạng. Chủ tịch hội đồng hương chánh là một tên nham hiểm, khi biết các em vẫn lén ca những bài hát cách mạng, nó nghĩ "trẻ con thích ca hát, có cấm cũng không được" nên nảy ra ý định tổ chức cho các em thi ca hát. "Các em tha hồ muốn hát gì thì hát, chỉ cấm hát những bài ca Việt Cộng". Nó không ngờ "gậy ông lại đập lưng ông". Đêm đầu các em diễn ca mới, ca cổ có nội dung chung chung. Những đêm sau các em thêm vào nội dung về quê hương bị chiến tranh tàn phá, gia đình ly tán, mong có ngày đoàn tụ... Qua từng tiết mục biểu diễn, các em để ý quan sát thái độ từng tên lính. Từ đó làm quen, móc nối với những tên thường có thái độ chán nản, nhớ nhà, vận động họ đem súng trở về với nhân dân. Chỉ riêng việc làm đó các em ở Bến Cầu cũng đã vận động được 5 binh sĩ bỏ hàng ngũ địch. Còn ở xã Long Khánh (Cai Lậy - Tiền Giang) 7 em thiếu nhi cũng đã vận động được 18 binh sĩ nguỵ bỏ hàng ngũ địch trở về nhà làm ăn.

Các em thiếu niên, nhi đồng các tỉnh miền Nam thời kỳ này thường làm công tác vận động binh sĩ địch theo cách của mình. Có khi chỉ bằng tiếng khóc làm mủi lòng những binh sĩ địch xa nhà, như những đứa con của chị Năm Mừng ở vùng ven căn cứ Bình Đức (Mỹ Tho - nay thuộc Tiền Giang), khi lính Mỹ đến nhà bắt chị lên trực thăng, vì vườn nhà chị vốn là nơi đặt pháo của bộ đội giải phóng mỗi lần tấn công vào căn cứ Bình Đức, các em đã ôm lấy mẹ khóc la thảm thiết, đến mức những tên lính Mỹ cũng phải khóc theo, đành bảo nhau lên trực thăng bỏ đi, không bắt theo mẹ các em nữa. Cũng có nhiều khi các em dùng trò chơi, dụ cho lính Mỹ đến xem, từ đó tìm cách lấy vũ khí của chúng trao cho du kích. ở Hòa Vang (Quảng Nam), có lần các em thiếu nhi đã cho một con cóc cụ hút thuốc say lử đử, bọn lính Mỹ quây lại xem. Trong đó có cả một tên giữ súng trung liên cũng bỏ súng đến xem. Lợi dụng khi tên lính Mỹ sơ hở các em dùng dây diện buộc vào báng súng, kéo dần ra sau lùm cây, giấu biến. Khi phát hiện mất súng, chính bọn Mỹ cũng ngơ ngác không hiểu khẩu súng đã biến đi bằng cách nào, ngay cả dấu vết cũng không nhìn thấy! ở Quảng Ngãi, cũng với trò chơi "cho cóc hút thuốc", sau đó các em đem đến gần bốt địch, khi nghe tiếng cóc ho địch tưởng du kích, bộ đội vây liền xả súng bắn làm cho địch tiêu hao đạn dược, gây cho chúng tâm lý hoang mang, mất ngủ.
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeWed Aug 29, 2007 8:14 pm

Bị thất bại trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh, ồ ạt đưa lính Mỹ và quân đội các nước chư hầu vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, đồng thời cho không quân và hải quân đánh phá có tính hủy diệt các cơ sở quân sự, kinh tế, văn hóa ở miền Bắc Việt Nam. Chúng đánh phá cả trường học, bệnh viện, đánh phá cả đê điều trong mùa mưa lũ. Nhiều trường học nằm sâu trong lòng miền Bắc xã hội chủ nghĩa cũng đã bị bom Mỹ phá hủy.

Cả nước có chiến tranh, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Bác Hồ, tuổi trẻ các tỉnh, thành phố miền Bắc đã dấy lên phong trào "Ba sẵn sàng": sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần. Cùng với tuổi trẻ miền Bắc, tuổi trẻ miền Nam hăng hái tham gia phong trào "Năm xung phong": xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, xung phong tòng quân giết giặc, xung phong trong các cuộc đấu tranh chính trị ở nông thôn cũng như đô thị, xung phong phục vụ tiền tuyến, vào các đội thanh niên xung phong công tác, phục vụ chiến trường, xung phong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn.

Cùng với các anh, chị thanh niên, thiếu niên, nhi đồng hai miền Nam Bắc cũng đã sẵn sàng gánh vác những nhiệm vụ theo tinh thần tuổi nhỏ làm việc nhỏ tuỳ theo sức của mình trong thời điểm cả nước có chiến tranh. Các em thiếu nhi miền Nam có sáng kiến lập các "kho đạn bí mật" nhằm cung cấp đạn dược cho các cô chú bộ đội.

Đáng chú ý là hoạt động của các em thiếu niên, nhi đồng ở ven các vành đai diệt Mỹ bao quanh các căn cứ lớn, như Bình Đức (Mỹ Tho), Trảng Lớn (Tây Ninh), Bến Cát (Thủ Dầu Một), Chu Lai (Quảng Nam), Nước Mặn (Quảng Đà), ái Tử và hàng rào điện tử ở Quảng Trị... Tại những nơi này các em thường có những hoạt động táo bạo, làm nhiệm vụ trinh sát đưa đường cho các cán bộ, các đơn vị vũ trang của ta đi làm nhiệm vụ. Các em thiếu nhi miền Nam có trăm mưu, ngàn kế nhằm lấy vũ khí của địch để đánh địch, nhất là gỡ mìn cung cấp cho du kích.

Hồ Văn Nhánh là một thiếu niên, nhà ở gần căn cứ Đồng Tâm (Tiền Giang - còn có tên gọi căn cứ Bình Đức). Hàng ngày Nhánh đi chăn trâu gần căn cứ. Em chú ý quan sát và phát hiện trên hàng rào địch gài nhiều mìn và lựu đạn. Em nảy ra ý định gỡ trái mang về cho du kích. Nhưng không biết cách làm thế nào để gỡ được trái. Lần đầu tiên, Nhánh đào nguyên cả bệ đất đựng vào mo cau mang về. Dần dần được hướng dẫn, em tự gỡ được hàng ngàn quả mìn và lựu đạn các loại phục vụ du kích và bộ đội đánh trên 300 trận, diệt 130 tên Mỹ và nhiều tên nguỵ. Nhánh còn hướng dẫn cho em Dũng ở gần nhà cùng vào gỡ trái. Hai em đã vào ra căn cứ Mỹ tới 131 lần để gỡ trái. Một lần không may mìn nổ, hai em đã anh dũng hi sinh. Về sau Hồ Văn Nhánh đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Chỉ một huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), một chi đội thiếu niên trong 8 tháng của năm 1968 đã chuyển cho đội du kích địa phương 13 khẩu súng. Riêng tháng 7 năm 1968 các em lấy được 9 khẩu súng của địch mang về cho du kích... Tại Củ Chi, trong tháng 4 năm 1969 các em đã chuyển cho xã đội 23 khẩu súng, có 1 súng đại liên...

Trong điều kiện không lấy được súng của địch thì các em tìm cách phá hỏng. ở xã Phước Thành (huyện Tân Uyên, Thủ Dầu Một), là một xã thuộc vùng sâu, vùng khó khăn của tỉnh. Dù vậy ở đây vẫn có tổ chức thiếu nhi bí mật thường xuyên hoạt động. Tháng 3 năm 1968 có 4 em thiếu nhi khi đi chăn bò, đã nhìn thấy trong một chốt của lính Mỹ có nhiều súng đạn, nhưng rất khó lọt vào để lấy mang ra, vì chúng kiểm soát gắt gao. Các em đã bàn nhau mua một bao Ruby, rồi lừa lúc buổi trưa khi bọn lính Mỹ ngủ say, các em châm cháy các điếu thuốc, để nguyên cả bao, giúi vào đống vũ khí có che vải nhựa. Thời tiết khô nóng, bao thuốc bốc lửa gây thành đám cháy, làm đạn trong kho vũ khí nổ liền 4 tiếng đồng hồ mới hết. 7 tên Mỹ bị giết chết. Cả đống vũ khí tan tành.

Cũng không ít thiếu niên miền Nam thời kỳ này đã cầm súng trực tiếp chiến đấu trong các lực lượng du kích và cả trong các đơn vị chủ lực Quân Giải phóng, trên khắp các chiến trường, các mặt trận và đã lập được nhiều chiến công xuất sắc.

Ngày 6-4-1964, em Hồ Thăng, một thiếu niên người dân tộc mới 14 tuổi tham gia du kích đã cùng đơn vị bắn rơi máy bay Mỹ và bao vây bắt sống tên đại úy Mỹ Pôoen Tôm - sơn. Vốn là một dân tộc gần như đã bị quên lãng giữa núi rừng miền Tây Thừa Thiên, nên dân tộc của Thăng không có họ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đem lại ánh sáng tự do cho đồng bào các dân tộc. Để ghi nhớ công ơn của Bác Hồ, đồng bào đã lấy họ Hồ làm họ chung, làm con cháu Bác Hồ Chí Minh. Đế quốc Mỹ ngang nhiên đến chà đạp lên cuộc sống của bà con. Ai cũng căm phẫn, cũng muốn đánh, kể cả các em thiếu nhi. Thấy chiếc L19 của Mỹ lượn vòng thám thính, Hồ Thăng, dù tuổi còn nhỏ, vẫn kiên quyết tìm thế đứng, đợi khi nó sà thấp, nhằm bắn liền 2 phát bằng súng K44. Chiếc máy bay Mỹ trúng đạn bùng cháy, đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi bằng súng bộ binh ở chiến trường Bình Trị Thiên, cũng là chiếc máy bay Mỹ bị súng bộ binh bắn rơi lần đầu tiên tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Hồ Thăng được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng. Sau đó Hồ Thăng
còn cùng đội du kích đánh địch nhiều trận và đã anh dũng hi sinh.

Học tập cách bắn của Hồ Thăng, phong trào bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh được thiếu nhi các tỉnh, thành phố miền Nam phát huy triệt để trong mọi lúc, mọi nơi. Năm 1967, em Rít ở miền Tây Quảng Nam, bắn rơi 1 máy bay phản lực Mỹ. Cũng trong năm 1967, em Hoài ở huyện Bác ái (Ninh Thuận), mới 11, 12 tuổi đã muốn theo du kích đi đánh giặc. Nhưng vì em còn bé, còn thấp hơn cả cây súng, nên các anh không cho. Hoài vẫn không nản, cứ đi theo các anh, tìm cách học sử dụng súng. Khi máy bay phản lực Mỹ đến bắn phá căn cứ du kích, Hoài núp trong công sự, theo đúng cách các anh du kích dạy, bắn rơi ngay một chiếc máy bay phản lực khi nó đang bổ nhào.

Thành tích bắn rơi nhiều máy bay Mỹ bằng súng bộ binh của thiếu niên, nhi đồng miền Nam thời kỳ này phải kể tới em Khung, ở làng Tơla (KonTum), một trong những thiếu niên trẻ nhất trong các dũng sĩ diệt máy bay. Mới 12 tuổi, Khung đã lập kỷ lục bắn rơi nhiều máy bay và cũng nhiều loại máy bay nhất. Năm 1968, trong 2 ngày liên tiếp, với cây Bá đỏ (K44) Khung đã hạ 1 trực thăng cán gáo, 1 máy bay cánh quạt, 1 máy bay phản lực. Còn em Xi ở Quảng Ngãi, với cây súng CKC, cũng đã bắn rơi 1 máy bay L19, 1 trực thăng Mỹ...

Chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của thiếu niên miền Nam nhiều khi không thể lường được. Có những kết quả thật bất ngờ. ở xã Ia Rung (huyện Chưpăh - Gia Lai) có em GLỡh, quê ở làng Maih, GLỡh sinh ra trong một gia đình có 5 anh em thì anh, chị và mẹ đã chết vì đói và bệnh tật. Cha bị địch bắt, bị đánh đập thành tật. Năm 1968, ở tuổi 11, GLỡh xin vào ở với đội du kích địa phương. Ngày em tham gia vào đội du kích, cha em chỉ dặn: "Mày đi du kích đánh Mỹ, đánh ngụy, phải đi đến cùng, không được bỏ về làng". Nhớ lời cha dặn, GLỡh đã nhiều lần lợi dụng mình còn nhỏ tuổi vào tận nơi bọn lính Mỹ trú quân, lân la làm quen với chúng, nắm tình hình mọi mặt bố phòng của địch về báo cho du kích vạch phương án tác chiến. Không biết chữ, GLỡh đánh dấu vào từng ngón tay, số quân, số súng, hầm hào, hàng rào sắt, bãi mìn... chính xác đến từng chi tiết. Có trận, nhờ đó du kích đã tiêu diệt được cả 2 đại đội lính Mỹ đang chốt ở khu đồi gần nước Ia Thu, làng Maih, quê GLỡh. Ngày 29-4-1971, ở tuổi 14, bất ngờ GLỡh đã dùng súng bộ binh bắn rơi 1 chiếc máy bay Mỹ. Không ngờ đó là chiếc máy bay chở tên tướng 3 sao Giôn Đinla của Mỹ đang đi thị sát chiến trường Tây Nguyên. Tiếp đó GLỡh còn bắn cháy thêm 1 chiếc trực thăng đến cứu đồng bọn và khi 1 tốp máy bay 3 chiếc phóng pháo từ hướng Pleiku bay tới tìm kiếm chiếc máy bay chở Giôn Đinla, một chiếc sà xuống thấp, cũng với 3 loạt đạn, GLỡh đã bắn vỗ mặt làm nó đâm nhào xuống đất, chỉ cách chiếc máy bay rơi trước đó vài trăm bước chân.
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeWed Aug 29, 2007 8:15 pm

Trong chiến tranh ác liệt, mặc dù chưa đến tuổi cầm súng, nhưng chính sự tàn bạo của kẻ địch buộc các em phải tìm cách tiêu diệt chúng để bảo vệ mình. Em Y Noát, người dân tộc Êđê ở Buôn Đát, một làng chiến đấu nổi tiếng của Tây Nguyên, trong một lần vào rừng sâu hái cây cơ búc, cơ ban về cho mẹ đốt tro hòa nước chàm nhuộm quần áo thì gặp bọn biệt kích Mỹ, Ngụy. Chúng bắt em phải dẫn về làng tìm bắt du kích, nếu không chúng sẽ bắn bỏ. Không còn cách nào khác Y Noát phải dẫn chúng đi. Có Y Noát dẫn đường, bọn địch đều tránh được các bãi chông ở ngoài. Ông Y Đung chỉ huy đội du kích của buôn là cha của Noát không khỏi ngạc nhiên khi thấy con mình lại dẫn bọn Mỹ về buôn. Lại còn để chúng đi ngang nhiên đến vậy. Ông không thể biết chính Y Noát cũng đang tính toán từng bước đi. Khi đi đến cách cây kơ nia bên tay phải mấy bước chân, em bỗng dừng lại. Bọn địch cũng dừng theo, co cụm lại một đám. Bất ngờ Y Noát đạp mạnh vào hòn đá nằm giữa đường và nhanh chóng nằm rạp xuống. Hòn đá chính là nơi du kích đã cài chốt bẫy. Chốt bẫy được mở. Như một ánh chớp, một cây tre dài xé gió phạt ngang qua đầu Y Noát. Bọn biệt kích Mỹ, Ngụy chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì chiếc cần bật bằng cây tre dài đã phạt ngang vào bụng 2 tên Mỹ, và toán đông đứng đầu, hất chúng xuống hầm chông tẩm nhựa tang nang. Toán đi sau nhớn nhác tháo chạy bị sập bẫy, sập hầm chông chết gần hết. Số còn lại bị tên tẩm thuốc độc và mũi súng bắn tỉa của Y Đung và đội du kích diệt gọn. Còn Y Noát, em đã nhanh nhẹn lao vào một lùm cây theo đường an toàn trở về buôn.

ở Cà Mau, em Nguyễn Văn Hải, một thiếu niên bị giặc bắt, biết em rành đường vào căn cứ, lại nghe tin Ban Chấp hành huyện ủy đang có mặt họp ở đó, chúng bắt em dẫn đường cho chúng, nếu không sẽ bị chúng giết chết. Hải đã giả vờ ngoan ngoãn dẫn chúng đi. Nhưng chúng không ngờ lại bị em dẫn vào bãi mìn. Mìn nổ. Không một tên giặc nào sống sót và Nguyễn Văn Hải đã anh dũng hy sinh.

Những năm tháng kháng chiến ác liệt, thiếu nhi miền Nam đã có nhiều cách lập công hết sức độc đáo, như em Liên, 13 tuổi đã vào du kích xã. Hàng ngày em thường chơi thân với lính Mỹ trong đồn, rồi lén lấy lựu đạn gài ngoài cổng đồn trước khi ra về. Bọn lính Mỹ đi càn, đụng lựu đạn nổ, 9 tên thương vong. Một lần cũng lấy lựu đạn nhưng Liên lại gài ngay trong đồn. Lựu đạn nổ làm 5 tên thương vong. Tính ra Liên đã khôn khéo lấy được 15 lựu đạn và 1 khẩu súng cho du kích. Bọn địch phát hiện ra hành động của em, tìm cách truy lùng nhưng không bắt được. Riêng em diệt được 14 tên Mỹ.

Em Thanh ở Quảng Ngãi hàng ngày đi chăn bò đã lén mang cơm cho cán bộ ở trong núi. Em hỏi các anh cán bộ cách gỡ lựu đạn địch gài. Lần đầu gỡ được 1 quả em mang ra cho các anh du kích, các anh khen Thanh tiếp tục vào ấp gỡ trái, chỉ một thời gian em đã gỡ được 180 trái lựu đạn trong ấp chiến lược gửi cho du kích.

Lính Mỹ đi câu, em lân la ăn cắp được 4 trái lựu đạn, đem cho du kích 3 trái, giữ lại 1 trái. Rồi theo dõi Mỹ đi săn, em gài trái, lính Mỹ đụng trái 4 tên chết. Em lân la chơi với lính Mỹ, lấy được 300 đồng. Em làm hầm chông, Mỹ sập hầm, 6 thằng bị thương. Em lấy cắp bản đồ Mỹ, nó biết đuổi theo, em lấy đá ném, trúng mũi lõ nó, chạy thoát. Em bắn chết 1 lính ngụy, giải thoát 1 cán bộ bị bắt.

Không chỉ từng cá nhân tự động lấy súng địch cung cấp cho du kích. ở nhiều địa phương có cả những chi Đội tổ chức lực lượng để lấy súng địch đánh địch. Một chi Đội TNTP mật ở Điện Bàn Quảng Nam trong tháng 8 - 1968 đã lấy cắp của địch 22 súng, 1 máy bộ đàm, diệt 31 lính địch.

ở xã Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương, Đội thiếu nhi có 20 em (4 gái) các em chia thành từng tổ nhỏ: Tổ báo tin, tổ dỡ cơm, tổ mua đồ ăn cho du kích. Các em gỡ được 30 trái lựu đạn, 500 viên đạn cho du kích, rải 600 tờ truyền đơn. Các em còn dùng mìn đặt đánh 2 xe M113 của Mỹ, đánh 2 bót gác lính ngụy.

Khi trực tiếp cầm súng chiến đấu, thiếu niên, nhi đồng các tỉnh miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cũng có những cách đánh vừa táo bạo, nhưng cũng thật mưu trí và cũng rất... thiếu nhi song đã lập được nhiều chiến công. Phát hiện tốp lính Mỹ đang phục kích, nửa đêm, chờ cả nhà đã ngủ yên, Võ Hường nhẹ nhàng bò dậy, cài mùng cẩn thận như vẫn có người đang ngủ trong đó, rồi lẻn ra vườn, lấy trái lựu đạn M26, đến chỗ bọn lính Mỹ phục kích. Hường bò lên một mô đất cao, ngay trên đầu bọn Mỹ, rút chốt an toàn quả lựu đạn thả xuống và rút êm về nhà trong khi bọn lính Mỹ la hoảng và vãi đạn tứ tung. Trận đó Võ Hường đã diệt được 3 tên Mỹ và làm nhiều tên bị thương. Võ Hường còn đánh nhiều trận khác, diệt 20 tên Mỹ, 1 xe bọc thép M. 118 và 1 xe tăng M. 41, trở thành 1 dũng sĩ diệt Mỹ tiêu biểu của Quảng Nam - Đà Nẵng.

ở Quảng Nam còn có em Hồ Thị Thu, tuổi nhỏ nhưng chí lớn. Khi giặc Mỹ chiếm đóng quê hương, gây nhiều tội ác với đồng bào, Thu đã không quản mình bé nhỏ, cướp cả súng của địch để đánh địch. Em còn dùng thuốc súng chế mìn, diệt được nhiều tên.

Tiêu biểu cho tinh thần 'Tuổi nhỏ chí lớn", mưu trí, dũng cảm tiến công địch của thiếu nhi miền Nam thời kỳ này có Kơpa Kơlơng, một thiếu niên người dân tộc Bana ở Gia Lai. Kơpa Kơlơng tham gia du kích năm 13 tuổi, là một thiếu niên giỏi đánh mìn, vót chông, gài thò, làm cạm bẫy. Lớn hơn một chút, Kơpa Kơlơng nhập ngũ, làm trinh sát cho bộ đội huyện Chưprông, có biệt tài bắn xiên táo. Em luôn chọn điểm cao thích hợp, bình tĩnh chờ địch đến gần, cách chừng 20 - 30 mét mới nổ súng. Có lần bắn 3 viên đạn em đã diệt được 5 tên địch... Lần đi trinh sát ở Plâyme, nhờ chọn được địa thế thích hợp, em bắn 2 viên đạn, diệt 4 tên biệt kích. Trong trận phục kích một trung đội địch trên đường đi khu dinh điền Lệ Ngọc, trận địa bị lộ. Thấy tình hình nguy hiểm Kơpa Kơlơng đã nhanh chóng giật mìn diệt một số tên địch, tạo điều kiện cho đơn vị rút về tuyến sau, còn mình ở lại kìm chân địch. Bị thương máu ra nhiều, em vẫn bình tĩnh tìm điểm cao thích hợp, diệt thêm một số tên địch rồi mới tìm cách trở về đơn vị.

Trong mọi tình huống Kơpa Kơlơng đều tìm mọi cách diệt địch đạt hiệu suất cao nhất. Có lần chỉ còn 3 viên đạn, em vẫn bám địch từ sáng đến chiều, đứng nấp cách địch chỉ 5 mét, chờ cho chúng tập hợp thành một hàng dọc, mới nổ súng, viên đạn đi xuyên táo, diệt một lúc 7 tên, tên còn lại bị thương. Đối với bọn lính Mỹ, Kơpa Kơlơng cũng có cách đánh thích hợp. Biết được bọn lính Mỹ khi tác chiến thường chiếm điểm cao. Kơpa Kơlơng thường bố trí mìn trên đường, rồi chiếm điểm cao trước, nằm phục chờ địch. Một lần, bọn Mỹ từ căn cứ Plơime hành quân, vấp phải mìn trên đường, đứa chết, đứa bị thương, số còn lại vội chạy lên chiếm điểm cao, liền bị Kơpa Kơlơng đang ém sẵn trên đó, ném lựu đạn vào đội hình, diệt tiếp 4 tên, khiến chúng hoảng sợ phải tháo chạy, bỏ dở cuộc hành quân.

Kơpa Kơlơng được ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang ngày 17-9-1967, với 6 chữ vàng "Tuổi thiếu niên, chí anh hùng".

Dũng cảm và mưu trí là những đức tính nổi bật của những thiếu nhi người dân tộc thiểu số "Tuổi nhỏ chí lớn" như Điểu Văn Cải, dân tộc Châu Ro, ở vùng Túc Trưng (nay là xã Phú Túc, huyện Phú Túc, Đồng Nai). Sớm chứng kiến những tội ác man rợ của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đối với gia đình và bà con làng xóm, lên 8 tuổi Cải đã mưu trí chuyển được tài liệu mật của cán bộ cách mạng giao qua cổng ấp có bọn lính đang kiểm soát gắt gao từng người ra vào. Tham gia du kích nhiều lần Điểu Cải đã cải trang vào tận hang ổ địch để tiêu diệt chúng. Trong đó có những lần chỉ một mình với cây súng bá đỏ anh vẫn ngang nhiên qua mắt địch để đánh vỗ mặt, làm chúng không kịp trở tay, như trận đánh chớp nhoáng làm sập cầu lô cốt đầu ấp Đức Thắng diệt 4 tên địch; hay trận đánh giặc giữa phiên chợ đông, chỉ sau một loạt đạn nổ giòn đã thấy 3 tên lính bảo an ngã gục, còn người bắn loạt đạn đanh gọn đó đã biến đi nhanh chóng, không ai kịp nhận mặt. Mọi người chỉ biết kêu lên "Kon Trô, Kon Trô, Điểu Cải về!"

Huyền thoại về Kon Trô Điểu Cải đã làm bọn địch mất ăn mất ngủ. Chúng tung mọi lực lượng lớn thám báo lùng sục khắp nơi để diệt tên "du kích trẻ con Điểu Cải". Tên phụ tá ấp Cây Xăng không bắt được Điểu Cải rất cay cú. Nó bắt nhiều người dân vô tội, chụp cho họ cái mũ Việt Cộng rồi bắn chết tại chỗ. Một hôm Điểu Cải cải trang thành một cảnh sát ngụy đột nhập vào một quán bar, nơi tên ác ôn đang ăn chơi trác táng. Khi tên ác ôn kịp nhận ra Điểu Cải thì hắn đã bị một mũi súng gí sát vào ngực. Chỉ trong nháy mắt hắn đã bị Điểu Cải bắt gọn.

Với ý chí dũng cảm và mưu trí, 16 tuổi Điểu Cải đã được giao trọng trách xã đội phó, phụ trách đội du kích, nhiều phen làm cho kẻ địch kinh hồn bạt vía. 18 tuổi anh trở thành một xã đội trưởng "gan cùng mình".


Anh hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, đụng phải mìn định hướng do địch gài. Sau này Điểu Văn Cải được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeWed Aug 29, 2007 8:15 pm

Từ năm 1961, sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, các tổ chức quần chúng được thành lập, Đội Thiếu niên Tiền phong của thiếu niên, nhi đồng miền Nam Việt Nam cũng được hình thành ở nhiều cơ sở, trên cả 3 vùng. Không chỉ ở vùng giải phóng, mà cả ở những vùng giáp ranh, vùng địch tạm chiếm đóng, Đội Thiếu niên Tiền phong cũng được thành lập ở nhiều cơ sở, góp phần tổ chức thiếu niên, nhi đồng tham gia nhiều hoạt động thiết thực của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đến năm 1966, ở Khu Đoàn miền Tây đã có 270 chi đội thiếu niên, có 8.572 đội viên, trong đó có 3.116 đội viên nữ. Cùng thời gian, Liên khu Năm có 305 chi đội, với 35.035 đội viên. Riêng tỉnh Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng) với 132 xã thì có 113 xã đã có chi đội thiếu niên tiền phong.

Được các cơ sở Đoàn hướng dẫn, tổ chức Đội ở nhiều địa phương đã có nhiều hoạt động phù hợp với lứa tuổi các em, tổ chức thiếu niên, nhi đồng tham gia mọi công tác kháng chiến. Trong các vùng địch tạm chiếm đóng, nhiều chi đội thiếu niên đã tổ chức thành những Đội thiếu niên du kích bí mật, làm nhiệm vụ nắm tình hình địch, giúp đỡ các anh chị du kích đánh địch có hiệu quả. Khi có điều kiện đội du kích thiếu nhi của các em cũng tham gia đánh địch. Nhiều trận đánh của các em đã có tiếng vang lớn, làm chính kẻ địch được trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại cũng phải lo sợ.

Các đội thiếu nhi du kích của phân khu I (gồm Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát, Dầu Tiếng) hoạt động bí mật ngay trong lòng địch, đã nhiều lần tổ chức đặt trái, diệt nhiều xe tăng. Trong đó Đội du kích mật của thiếu nhi Trảng Bàng diệt 5 chiếc, Củ Chi diệt 5 chiếc. Các đội du kích mật của thiếu nhi Bến Cát, Dầu Tiếng, mỗi nơi diệt 1 chiếc. Nhiều tên Mỹ chết và bị thương. Riêng các em thiếu nhi du kích Dầu Tiếng đặt mìn diệt một lúc 50 tên lính Mỹ và lính Ngụy. Có 31 em thiếu nhi trong phân khu đạt danh hiệu dũng sĩ. Trong đó có một em ở Trảng Bàng, 15 tuổi đã diệt được 97 tên lính Mỹ.

ở Quảng Nam - Đà Nẵng, quê hương người thợ điện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Sau khi anh Trỗi bị chế độ Ngụy ở Sài Gòn giết hại đã dấy lên phong trào thi đua diệt Mỹ để trả thù cho anh. Nhiều đội du kích thiếu niên mang tên anh Trỗi đã ra đời và đã có nhiều hoạt động táo bạo làm cho kẻ địch hoang mang lo sợ không biết sẽ tấn công vào lúc nào. Đội Thiếu nhi du kích Nguyễn Văn Trỗi ở xã B (Quảng Nam), có 4 em, trong 7 ngày, từ 8 đến 15- 8 - 1968 đã diệt 15 tên địch, thu 4 súng. Các em còn tự làm lấy mìn, đánh 2 xe địch, diệt 20 tên. Những tháng cuối năm 1968, các em liên tiếp đánh địch nhiều trận khác, diệt 47 tên địch... Tổ được tặng danh hiệu Tổ dũng sĩ cấp ưu tú.

ở Điện Bàn, tổ thiếu niên du kích xã T có 6 em, trong 6 tháng đã diệt 80 tên ác ôn lính Mỹ, Ngụy, được tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Nhất. Cũng ở Điện Bàn, Đội thiếu niên du kích Bích Bắc đã đánh địch trên 100 trận, trận nào cũng lập công, diệt 153 lính Mỹ, Ngụy. Trong đó có 1 em diệt được 47 tên, được tặng danh hiệu dũng sĩ và chiến sĩ thi đua giết giặc của Quân khu V.

Không chỉ ở Khu V, ở nhiều nơi khác, các đội du kích thiếu niên cũng đã ra đời và có nhiều hoạt động táo bạo. Đội thiếu nhi du kích của Sở cao su Bình Sơn, tỉnh Biên Hòa, hoạt động trong lòng địch đã từng đột nhập phá 3 buổi chiếu phim phản động của bọn Mỹ - Ngụy, phá huỷ 1 xe tăng, giết chết 15 tên Mỹ, thu 7 súng và hàng ngàn viên đạn, được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng tặng bằng khen. Đội Thiếu nhi du kích Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, chỉ riêng năm 1968 đã diệt 10 xe thiết giáp địch, giết chết 40 tên lính Mỹ, thu 2 súng.

Còn ở Hải Lăng (Quảng Trị), sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân miền Nam Tết Mậu Thân 1968, kẻ địch điên cuồng phản công ác liệt. Chúng cho cả một đoàn xe đến đóng ở Rùa Hạ (xã Thượng Xá). Hai em thiếu nhi Thống và Lộc đã tìm cách nắm tình hình đóng quân của địch báo cho du kích và bộ đội tổ chức đánh địch, diệt một lúc 120 xe bọc thép của Mỹ. Khi bị địch bắt vào phòng vệ dân sự, Thắng và Lộc vẫn tìm cách bắt liên lạc với du kích và cơ sở cách mạng, tổ chức đánh địch, làm tan rã hoàn toàn toán phòng vệ dân sự 50 tên của địch.
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeWed Aug 29, 2007 8:16 pm

Thời kỳ tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ", không những đế quốc Mỹ đã sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tàn bạo đối với nhân dân miền Nam Việt Nam, mà chúng còn mở rộng đánh phá có tính hủy diệt nhiều cơ sở kinh tế, quốc phòng trên miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người sức của của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân của Mỹ chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có chủ quyền, nhiều trường học, nhiều cơ sở vui chơi của các em thiếu niên, nhi đồng cũng đã bị tàn phá nặng nề. Không ít cơ sở đã bị hủy diệt hoàn toàn. Chỉ riêng ở Nghệ An, chưa đầy 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1965, đế quốc Mỹ đã đánh phá vào 40 trường học, trong đó 100% số trường học ở thành phố Vinh hoàn toàn bị phá hủy. Ngày 23 - 9 - 1965, máy bay Mỹ đã đánh phá dã man trường phổ thông cấp I - II Quỳnh Tiến ngay trong giờ các em đang học, làm 5 em học sinh cấp I (tiểu học), 11 em học sinh cấp II ( THCS) và 3 giáo viên bị chết; 26 học sinh cấp I, 10 học sinh cấp II bị thương.

ở Hà Tĩnh đã có gần 400 trường học bị máy bay Mỹ đánh phá. Ngày 9-2-1966, máy bay Mỹ ném bom vào trường cấp II Hương Phúc (Hương Khê) làm chết một lúc 33 em học sinh, trong đó có 7 em mất tích, 1 thầy giáo và 24 em học sinh khác bị thương...

Nhưng chính trong những điều kiện khó khăn, thử thách đó, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt", thầy và trò các trường học trong tất cả các địa phương trên toàn miền Bắc, từ đồng bằng ven biển đến miền núi cao, từ thành thị đến nông thôn cả trong những vùng trọng điểm máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá có tính hủy diệt, đã kiên cường bám trường, bám lớp, bảo đảm thực hiện thi đua "hai tốt" trong mọi tình huống. Nhiều trường đã thực hiện "vác trường lên vai đi sơ tán", đến những vùng sâu vùng xa, nơi địch ít đánh phá, tổ chức dạy và học. Những trường không có điều kiện sơ tán đến nơi học an toàn thì tổ chức đào hầm hào xung quanh lớp học để khi báo động, từ trong lớp học ra nơi trú ẩn an toàn. Không học được ban ngày, nhiều trường tổ chức cho các em học ban đêm. Không thắp được đèn để học, các em dùng đèn chai, lấy giấy bọc xung quanh, chỉ chừa một lỗ nhỏ vừa đủ ánh sáng chiếu xuống trang vở. Để tránh bom đạn địch sát thương, các em làm mũ rơm để đội. Đội mũ rơm trên đường đến trường. Đội mũ rơm khi đi sinh hoạt, trong những lúc làm kế hoạch nhỏ, và dĩ nhiên cả khi ra trận địa, cung cấp lá ngụy trang, giẻ lau súng cho các anh bộ đội. Chiếc mũ rơm trong những năm kháng chiến chống Mỹ trở thành như một biểu tượng của ý chí Việt Nam, ý chí ham học, ý chí quyết thắng bom đạn kẻ thù. Rất nhiều trường hợp, bom đạn Mỹ, kể cả loại bom có khả năng sát thương hàng loạt như bom bi, cũng phải chịu thua lực cản của vành mũ rơm trên đầu các em nhỏ. Nhờ đó mà ngay trong những thời điểm địch đánh phá ác liệt nhất, hàng chục vạn thiếu niên các tỉnh, thành phố miền Bắc ngày ngày vẫn bền bỉ đến trường đến lớp. Phần lớn trên đầu các em đều đội mũ rơm, như một công cụ bảo vệ của một thời đạn bom,. Nhiều em sau này đã trở thành nổi tiếng, trở thành những tài năng trên nhiều lĩnh vực văn hóa, khoa học kỹ thuật, khi còn đi học trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cũng đã từng đội chiếc mũ rơm đến trường, cũng đã từng theo trường đi học ở nơi sơ tán, với những bữa cơm độn mì độn khoai, như trường hợp nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn, từng đoạt giải khôi nguyên trong cuộc thi đàn Pianô quốc tế mang tên nhạc sĩ thiên tài Chopin.

Trong điều kiện máy bay Mỹ đánh phá ngày càng ác liệt, thiếu niên, nhi đồng xã Nghi Hương nêu quyết tâm "Đội bom đi học", đảm bảo chương trình học trong mọi tình huống. "Đội bom đi học", thiếu niên, nhi đồng ở Nghệ An, ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong điều kiện chiến tranh ác liệt vẫn đảm bảo ngày ngày đội mũ rơm đến trường thi đua học tập và rèn luyện theo "5 điều Bác Hồ dạy". Số thiếu niên đến trường hàng năm vẫn không ngừng tăng. Riêng tỉnh Nam Hà (Hà Nam, Nam Định ngày nay) số học sinh đến trường năm học 1965 - 1966 tăng 3,6% so với năm học 1964 - 1965. Xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) trong một năm trường học bị đánh phá tới 22 lần, học sinh vẫn tới trường tới lớp đầy đủ, vẫn đảm bảo dạy tốt và học tốt. ở Hà Tĩnh số học sinh đến lớp vẫn thường xuyên đạt trên 90%. ở Quảng Ninh trong năm đầu không quân Mỹ mở rộng đánh phá miền Bắc (1965), cả tỉnh có 317 trường học phổ thông các cấp, với 2.362 giáo viên và 47.862 học sinh đến trường, thì sau 10 năm, đến năm 1975, toàn tỉnh đã có 130.692 học sinh và 4.687 thầy, cô giáo dạy và học trong 384 trường.

Phong trào "Dạy tốt và học tốt" phát triển, thu hút hàng vạn các em thiếu niên, nhi đồng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để vươn lên trở thành những con ngoan, trò giỏi. ở Nghệ An, em Hoa Xuân Tứ, từ nhỏ bị tai nạn cụt cả 2 tay. Không cam chịu số phận, em đã kiên trì rèn luyện để được cắp sách đến trường như nhiều bạn bè cùng lứa. Không còn tay để cầm bút, Hoa Xuân Tứ kẹp bút vào giữa vai và má kiên nhẫn tập viết, phấn đấu trở thành một học sinh học giỏi toàn diện, luôn có ý thức rèn luyện đạo đức, được thầy cô và bạn bè quý mến. Trong nhiều năm thiếu niên, nhi đồng ở nhiều tỉnh, thành phố trên miền Bắc đã dấy lên phong trào thi đua học tập tấm gương vượt khó học giỏi của Hoa Xuân Tứ, phấn đấu trở thành những học sinh phát triển toàn diện.

Tháng 1 - 1967, Hoa Xuân Tứ vinh dự được thay mặt hàng vạn "Cháu ngoan Bác Hồ" dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước lần thứ nhất và được gặp Bác Hồ kính yêu. Cùng có vinh dự như Hoa Xuân Tứ còn có Trần Thị Vệ, cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Thanh Hóa, dũng cảm cứu bạn khi máy bay Mỹ ném bom; Trần Quốc ý, một thiếu niên của Nghệ An, trong khi máy bay Mỹ đang điên cuồng đánh phá, vẫn lao ra cứu bạn; Đinh Thị Lệ Kim, một học sinh chăm ngoan, học giỏi của Hải Phòng; Phạm Thị Kiều Oanh, một thiếu niên của Hà Nội, trong gia đình là một con ngoan, ở trường là một trò giỏi, trong công tác Đội là một con người năng nổ, có sức cuốn hút các bạn;
Bùi Thị Hải, là một thiếu niên dân tộc Mường của tỉnh
Hòa Bình, luôn được bạn bè quý mến nhờ có phương
pháp học tập tốt, năm nào cũng đạt học sinh giỏi, trong mọi việc đều chăm chỉ... Các em là những "Cháu ngoan Bác Hồ" tiêu biểu, luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện theo "5 điều
Bác Hồ dạy".

Phong trào thi đua hai tốt "Dạy tốt và học tốt", trở thành mục tiêu phấn đấu của các trường học trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt. Các cơ sở Đoàn đã kết hợp với nhà trường tổ chức giáo dục các em thiếu niên, nhi đồng ý thức công dân, không ngừng nâng cao tinh thần học tập và tham gia lao động, tham gia phục vụ chiến đấu trong từng điều kiện thích hợp. Các hoạt động theo chủ đề tiếp tục được mở rộng. Khi quân và dân ta ở miền Nam thắng lớn, các em có chủ đề: "Vì miền Nam rực lửa chiến công, nguyện làm chiến sĩ nhỏ thắng Mỹ", phấn đấu nâng cao chất lượng từng tiết học, giờ học. Các em coi "đi học là đánh Mỹ", giành nhiều điểm 5, điểm 10... thi đua cùng các anh bộ đội và dân quân bắn rơi nhiều "thần sấm", "con ma" Mỹ. ở Sơn La các em thực hiện "hai giờ vàng ngọc", phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng học bài, ôn bài. ở trường cấp II Cẩm Bình (Hà Tĩnh) các em phấn đấu kết hợp chặt chẽ giữa học và hành, luôn gắn bó chặt chẽ với các hoạt động ngoài xã hội, tích cực tham gia mọi công tác sản xuất, cũng như phục vụ chiến đấu và nhiều công tác xã hội khác, đảm bảo thường xuyên dạy tốt và học tốt, góp phần phấn đấu xây dựng nhà trường và địa phương trở thành lá cờ đầu của ngành giáo dục miền Bắc những năm đánh Mỹ, được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, tháng 1 - 1967.

Phong trào phấn đấu trở thành "Cháu ngoan Bác Hồ" phát triển mạnh ở hầu khắp các địa phương. Được sự hướng dẫn của tổ chức Đoàn các cấp, các em thường xuyên đẩy mạnh phong trào "Nói lời hay, làm việc tốt", phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ". Ngoài nhiệm vụ học tập thường xuyên được các em duy trì thành nền nếp, thiếu niên và nhi đồng các tỉnh, thành phố trên miền Bắc thời kỳ này còn đẩy mạnh nhiều hoạt động thiết thực góp phần cùng quân và dân các địa phương trong nhiệm vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, trong các hoạt động chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam về tinh thần cũng như vật chất, và trong nhiệm vụ xây dựng, củng cố hậu phương lớn miền Bắc.

Công tác Trần Quốc Toản thời kỳ này đã có những nội dung và cách làm mới, thiết thực và phong phú. Tùy theo từng hoàn cảnh, tổ chức Đội thiếu niên, Nhi đồng ở các cơ sở đã tiến hành điều tra nắm chắc số lượng các gia đình chính sách trên địa bàn dân cư, phân loại từng đối tượng cần giúp đỡ. Không những qua đó các em có kế hoạch phân công giúp đỡ một cách thiết thực đối với từng đối tượng, mà các em còn góp phần phát hiện cho địa phương những việc làm sai chính sách trong công tác thương binh, xã hội.

ở nhiều địa phương, tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong sau khi điều tra nắm chắc tình hình các đối tượng chính sách đã phân công trách nhiệm cho từng phân đội nhỏ theo từng địa bàn dân cư, một xóm, một đường phố. Hơn thế phân công đến từng đội viên phụ trách từng gia đình cần giúp đỡ. Chỉ những việc lớn các em mới tổ chức cho cả chi đội, phân đội tập trung đến giúp. Thường đó là những công việc đột xuất. Những công việc thường xuyên, như gánh nước, dọn dẹp nhà cửa, và cả những công việc như đi xếp hàng mua thực phẩm, đong gạo... các em đều phân công cố định cho một số em, thường là từ 1-2 em phụ trách giúp đỡ một gia đình.

Thực hiện lời Bác Hồ dạy "... giúp đỡ đồng bào tức là tham gia kháng chiến. Và do đó, các cháu sẽ luyện tập tinh thần siêng năng và bác ái để sau này thành người công dân tốt...", trong thư Người gửi thiếu niên, nhi đồng tháng 2 - 1948, khi Người khuyên các em tổ chức những "Đội Trần Quốc Toản", thiếu niên, nhi đồng các tỉnh, thành phố miền Bắc thời kỳ cả nước có chiến tranh đã có nhiều phương thức làm công tác Trần Quốc Toản, không những thiết thực giúp đỡ gia đình chính sách có khó khăn mà còn góp phần làm yên lòng các anh, các chị ra trận, vì biết bố mẹ mình ở nhà đã thường xuyên có người đến chăm nom chu đáo. Các em thường tổ chức thực hiện theo các chủ đề hết sức sinh động, như "Uống nước nhớ nguồn", hoặc "Tháng đền ơn đáp nghĩa", rồi "Tháng thăm một lần, tuần làm một việc"... Nhiều gia đình chính sách, nhờ đó, mặc dù neo đơn, phần lớn chồng, con đều đã ra mặt trận vẫn thấy ấm lòng, không phải lo toan vất vả đến từng gánh nước, con gà. Những công việc đó đã có các em trong Đội Trần Quốc Toản giúp sức. Nhiều em đội viên đi học về, chưa kịp cất sách vở đã đến ngay các gia đình chính sách được phân công quét tước sân vườn, thu dọn nhà cửa, cho lợn, cho gà ăn... tươm tất đâu đó mới về lo việc nhà mình.

Phong trào xây dựng Hợp tác xã Măng non thời kỳ này cũng được phát triển lên một bước, với nhiều nội dung mới: nuôi gà chống Mỹ, chăn nuôi trâu bò béo khỏe... Năm học 1967 - 1968, đã có 1.100 Hợp tác xã Măng non được phát triển ở các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng, vùng trung du và ven biển, thu hút hàng chục vạn xã viên là thiếu niên, nhi đồng. Trong 6.000 em trực tiếp nhận chăm sóc trâu bò béo khỏe đã có 2.000 em được biểu dương khen thưởng. Nhiều địa phương đã tổ chức các cuộc thi trâu bò béo khỏe giữa các chi đội, Liên chi đội để các em có dịp trao đổi, thi đua với nhau làm cho phong trào ngày càng có hiệu quả thiết thực. Phong trào xây dựng Hợp tác xã Măng non phát triển không chỉ góp phần giáo dục các em ý thức trách nhiệm công dân, mà thực sự đã hỗ trợ nhiều mặt cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiêp, tiểu thủ công nghiệp giải quyết được nhiều vấn đề trong lúc cả nước đang phải tập trung sức người cho nhiệm vụ đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chỉ riêng tỉnh Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay) đến năm 1973 đã có tới 2.592 Hợp tác xã Măng non, đóng góp với các hợp tác xã 1.083. 340 ngày công, gần bằng 20% số ngày công của các xã viên lớn tuổi.
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeWed Aug 29, 2007 8:17 pm

Thời kỳ cùng quân và dân đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với nhiệm vụ học tập và tham gia các công tác xã hội, thiếu niên, nhi đồng các tỉnh, thành phố trên toàn miền Bắc cũng là những người tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ, thực hiện việc giáo dục thể chất theo kinh nghiệm và phong trào thiếu nhi của nhiều nước xã hội chủ nghĩa. Tổ chức Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã cùng Bộ Giáo dục, ngành thể dục thể thao và các ngành liên quan phát động rộng rãi phong trào rèn luyện thân thể theo 4 môn phối hợp (chạy 60 mét, nhảy xa, nhảy cao và ném bóng 150 gam). Hàng năm để phát triển phong trào, các trường phổ thông cơ sở và sau đó là các huyện, các tỉnh và cả toàn quốc đều tổ chức thi đấu để chọn những vận động viên tiêu biểu. Sau này phong trào đã phát triển thành "Hội khỏe Phù Đổng". Nhiều vận động viên nhỏ tuổi trưởng thành qua phong trào rèn luyện theo tiêu chuẩn 4 môn phối hợp về sau đã trở thành những vận động viên tài năng, đóng góp nhiều thành tích cho nền thể thao nước nhà.

Nhiều môn thể thao được chú ý phát triển, như môn bơi lội, các em có cuộc vận động "Toàn Đội biết bơi". Nhiều làng quê, nhiều trường học đã biết lợi dụng địa thế, sông ngòi, bờ biển tổ chức cho các em học bơi lội. Nhiều địa phương còn tạo ra những "bể bơi" đơn giản để các em có điều kiện tập luyện, như Minh Tân (Hải Phòng), Nam Chính (Hải Dương), Quỳnh Đôi (Nghệ An). Nhiều em trưởng thành từ phong trào đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, như Trần Thị Huyền, 2 lần đạt danh hiệu kiện tướng bơi lội, giành liên tiếp 5 Huy chương Vàng trong các kỳ thi đấu.

Bóng bàn cũng là môn được chú ý phát triển, thu hút nhiều em thiếu niên, nhi đồng tham gia tập luyện. Ngày 5 - 8 - 1964, đúng ngày đế quốc Mỹ cho không quân mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam, cũng là ngày khai mạc giải bóng bàn mang tên giải Báo Thiếu niên Tiền phong lần thứ nhất và từ đó trở thành giải truyền thống của thiếu niên, nhi đồng, góp phần đào tạo nên nhiều vận động viên tiêu biểu cho bộ môn bóng bàn nước ta, như Trần Văn Quỳnh, Nguyễn Đình Phiêu, Nguyễn Hồng Nga, Nguyễn Thu Nga...

Cũng như thiếu niên, nhi đồng miền Nam, những năm tháng cả nước cùng đánh Mỹ, thiếu niên, nhi đồng các tỉnh, thành phố miền Bắc cũng đã phải nhiều lần cầm súng và nhất là nhiều thời gian các em phải bỏ dở cả nhiệm vụ học tập để phục vụ chiến đấu, đến các trận địa phòng không động viên các chiến sĩ, thu gom giẻ lau súng, hái lá ngụy trang, tham gia trồng cây bảo vệ các tuyến đường giao thông, bảo vệ cầu cống, nhà kho... ở Hà Tĩnh, trong nhiều trường học, các em có phong trào "Cây Trung thu thắng Mỹ", hoặc "5 con gà thắng Mỹ". Phong trào đã thu hút hầu hết thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh tham gia dưới nhiều hình thức. Hàng năm đều có tổng kết thi đua khen thưởng, rút kinh nghiệm, mở rộng phong trào. Phong trào trồng cây, nuôi gà chống Mỹ cũng được phát triển ở nhiều địa phương. Một mặt các em tham gia "Tết trồng cây" cùng các anh, chị, mặt khác các em tổ chức chăm sóc những cây đã trồng, thực hiện "đoạn đường em nuôi", "vườn cây em chăm"... thường xuyên rào chắn, không để trâu bò phá hoại, không cho người bẻ cành.

Phong trào lấy lá ngụy trang, thu gom giẻ rách cho các anh bộ đội, cho dân quân tự vệ trực chiến lau súng thì ở đâu cũng có. Nhiều lần máy bay Mỹ đánh phá vào trận địa, khói bom mù mịt, các em thiếu nhi địa phương vẫn không quản ngại nguy hiểm, băng ngay đến, băng bó cho những người bị thương, tiếp tế nước cho các pháo thủ. Có em còn cởi cả áo của mình nhúng vào nước, đắp lên nòng pháo làm giảm nhiệt để các anh bộ đội chiến đấu được liên tục, chính xác. Nhiều em đã sẵn sàng hy sinh cả tính mạng trong khi phục vụ chiến đấu. Hàm Rồng là một trọng điểm máy bay Mỹ thường xuyên tập trung đánh phá có tính hủy diệt trong suốt những năm chúng tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Em Lê Thị Hoàn, nhà ở Nam Ngạn (bờ phía Nam cầu Hàm Rồng), 15 tuổi, mỗi lần máy bay Mỹ đánh phá ác liệt cầu Hàm Rồng, em đều có mặt tiếp tế cơm nước, mang lá ngụy trang cho các trận địa chiến đấu. Một lần khi em vừa mang nước ra trận địa chưa kịp trao ca nước cho một pháo thủ thì máy bay giặc Mỹ ập đến cắt bom, em đã hy sinh trong tư thế đang trao ca nước. Cũng ở Thanh Hóa còn có em Nguyễn Văn Thịnh, (Quảng Xương) ngay khi máy bay Mỹ đang đánh phá trận địa pháo, vẫn không quản nguy hiểm, đã như một con thoi chạy đi chạy lại, tham gia tiếp đạn và cứu chữa thương binh.

Có cả những em thiếu nhi đã trực tiếp cầm súng bắn rơi máy bay Mỹ, như Nguyễn Văn Lộc và các bạn trong tổ chăn trâu ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình). Thường ngày đi chăn trâu các em vẫn để ý quan sát các anh dân quân thao tác bắn; máy bay Mỹ bất ngờ tập kích vào trận địa, Lộc đã chỉ huy tổ chăn trâu của mình dùng súng 12,7 ly bắn rơi 1 chiếc A4F. Cả tổ được khen thưởng. Riêng Nguyễn Văn Lộc được thay mặt các bạn đi dự trại hè ở Liên Xô.
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeWed Aug 29, 2007 8:18 pm

Nhiều đội viên thiếu niên, nhi đồng đã sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ bạn mình, bảo vệ những em bé nhỏ tuổi khỏi bị bom Mỹ giết hại. ở Hải Phòng đó là em Trịnh Văn Hòa, một đội viên thiếu niên đã lấy thân mình che bom bi cứu sống một em nhỏ, còn mình thì hy sinh anh dũng. Đặc biệt là tấm gương hi sinh của Nguyễn Bá Ngọc (Quảng Xương, Thanh Hóa) đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần sẵn sàng hy sinh chiến đấu của các em thiếu nhi trên cả hai miền Nam Bắc. Nguyễn Bá Ngọc là một học sinh chăm ngoan, chịu khó trong học tập và giúp đỡ gia đình. Trong một trận máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, đang trên đường đi học về, nghe tiếng khóc của một em nhỏ, Nguyễn Bá Ngọc đã không ngần ngại băng đến lấy thân mình che chở cho em khi một quả bom bi nổ gần. Nhiều viên bi đã găm
khắp cơ thể Ngọc. Ngọc đã hy sinh nhưng em nhỏ thì được cứu sống.

Có nhiều tấm gương thiếu nhi đã dũng cảm hy sinh giống như Nguyễn Bá Ngọc. Em Nguyễn Thị Lan (Quảng Xương) đã cứu sống 4 em bé và cùng các anh chị dân quân trong xã ngụy trang xác máy bay Mỹ, sau đó còn đi tuyên truyền tin chiến thắng cho bà con nghe. Các em Hoàng Thị Hợi, Nguyễn Thị Minh Hồng (Nông Cống) không quản nguy hiểm đã tham gia cùng các anh chị lớn tuổi đào bom nổ chậm, cứu người bị thương, cứu chữa kho hàng... Các em tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã nêu những tấm gương về tinh thần sẵn sàng hy sinh vì người khác.

Bên cạnh những tấm gương sẵn sàng hy sinh vì bạn, vì những em bé của nhiều đội viên thiếu niên, nhi đồng, nhiều hành động quả cảm của các thầy cô giáo, quên mình vì đàn em thân yêu trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt, cũng đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ học sinh. Bên cạnh những thầy giáo, cô giáo, nhiều anh chị em phụ trách nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên tự học tập nâng cao kiến thức, trở thành giáo viên giỏi trong nhiều năm, như thầy giáo Phạm Thế Hùng, trường An Tiến, thầy giáo Hoàng Mai Kiểm, trường cấp II (THCS) Đại Thắng, Tiên Lãng (Hải Phòng)... nhiều thầy, cô giáo đã không quản hy sinh cả tính mạng mình để bảo vệ học sinh, như thầy Bùi Xuân Thảo (trường cấp II Kênh Giang, Thủy Nguyên, Hải Phòng), trên đường đến trường bị thương nặng do bom Mỹ, trước khi trút hơi thở cuối cùng thầy vẫn bình tĩnh dùng bàn tay giập nát lấy chìa khóa trong túi đưa cho đồng chí Bí thư Đảng ủy nhà trường về mở ngăn kéo lấy đầu bài thi cho học sinh. Đặc biệt trong điều kiện sơ tán, phần lớn các em học sinh không có bố mẹ đi theo chăm sóc, sự quan tâm bảo vệ các em của các thầy cô giáo càng trở nên quý giá. Nhiều thầy, cô giáo trường Việt Hải (Cát Bà, Hải Phòng) trong điều kiện sơ tán phải ăn cơm muối với rau rừng hàng tháng, vẫn miệt mài cùng các em học sinh đảm bảo "dạy tốt, học tốt". Các thầy, cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức văn hóa cho học sinh mà còn là những cán bộ quản lý công tác phòng tránh cho các em, đôi khi phải làm cả nhiệm vụ của người y tá, cứu thương và khi cần che chắn cho học sinh khỏi bị bom Mỹ giết hại. Cô giáo Long Thị Ngọc ở Quảng Ninh trong một lần bom Mỹ đánh vào lớp học đã quên mình bảo vệ từng em học sinh, đưa các em ra hầm trú ẩn an toàn, đến khi bị thương vẫn không rời nhiệm vụ.

Cùng với việc đẩy mạnh phong trào thi đua "dạy tốt và học tốt", công tác xây dựng Đội trong nhà trường được quan tâm phát triển. ở Nghệ An đến năm 1966 đã có 377 tiểu ban thiếu niên, nhi đồng được thành lập ở cơ sở, góp phần chăm sóc, bảo vệ các em, nhất là trong điều kiện địch thường xuyên đánh phá ác liệt. ở 13 huyện, thị xã trong tỉnh đã có 42% các trường cấp I và 73% số trường cấp II có tổ chức Đội. Cùng thời gian có 63% các em học sinh cấp II được vào Đội Thiếu niên Tiền phong, 30% các em học sinh đầu cấp I được vào Đội Nhi đồng. Đến năm 1968 số học sinh cấp I và cấp II vào Đội đã tăng lên đến trên 80 - 90%. Nhiều trường như ở Diễn Minh (Diễn Châu), Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu)... 100% các em được vào Đội. ở tỉnh miền núi Sơn La, tổ chức Đội trong nhà trường đã thu hút trên 50% các em thiếu niên, nhi đồng thường xuyên tham gia các hoạt động thiết thực, bổ ích. Tổ chức Đoàn các cấp đã phối hợp với nhà trường lựa chọn những giáo viên là đoàn viên thanh niên có nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm trực tiếp phụ trách công tác Đội, tổ chức, hướng dẫn các em đẩy mạnh tham gia các hoạt động gắn với những nhiệm vụ của địa phương trong sản xuất và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách Đội, cùng với việc thường xuyên mở các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phụ trách các cấp, từ năm 1965 đến năm 1969, được sự đồng tình, ủng hộ của ngành giáo dục và trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong 3 niên khóa liên tục, Đoàn đã gửi gần 200 cán bộ Đoàn và một số sinh viên nhiệt tình với công tác Đội đến đào tạo tại khoa tâm lí - giáo dục học, chuẩn bị đội ngũ cán bộ có hiểu biết về khoa học giáo dục cho các trường huấn luyện cán bộ Đoàn, các trường cao đẳng sư phạm, làm nòng cốt đưa việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phụ trách Đội trong trường học đi vào nền nếp. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách Đội trong trường học ngày càng được nâng cao, không những có nhiệt tình, còn có những kiến thức chuyên sâu, góp phần làm cho hoạt động Đội trong trường học luôn tạo được những nét mới, năng động và tự chủ, có sức cuốn hút thiếu niên, nhi đồng đến với tổ chức của mình, phấn đấu theo những mục tiêu trong học tập, trong rèn luyện, thực hiện "5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng".

Phấn đấu trở thành "Cháu ngoan Bác Hồ" là nguyện vọng thiết tha của mọi đội viên thiếu niên, nhi đồng. Ngày 15 - 5 - 1966, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày thành lập Đội (15-5-1941 - 15-5-1966), bác Tôn Đức Thắng, thay mặt Đảng và Nhà nước đã trao Đội lá cờ thêu 16 chữ vàng, nêu lên nhiệm vụ của Đội trong thời kỳ cả nước có chiến tranh:

"Vâng lời Bác dạy
Làm nghìn việc tốt
Chống Mỹ, cứu nước
Thiếu niên sẵn sàng".

Phong trào thi đua "Làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ" từng bước phát triển ngày càng sâu rộng, thể hiện trên tất cả mọi mặt hoạt động của Đội. Được Đảng, Nhà nước và nhân dân chăm lo giáo dục, bảo vệ, hàng vạn thiếu niên, nhi đồng đã không ngừng trưởng thành và có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp của toàn dân. Trong đó có 42 vạn em đã trở thành "Cháu ngoan Bác Hồ". Riêng trong năm học 1964 - 1965, năm học đầu tiên phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đã có 650 em học giỏi toàn diện đã được nhận phần thưởng của Bác Hồ, 32 em có những cử chỉ tốt được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Hàng trăm em liên tục phấn đấu, được Bác Hồ tặng phần thưởng hai, ba năm liền. Số đội viên phấn đấu trở thành "Cháu ngoan Bác Hồ" ngày càng tăng. ở Hà Nội, năm học 1965 có 3 vạn đội viên được tặng danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ", đến năm 1968, khi tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ số đội viên đạt danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ" đã lên tới 57.500 em. Có cả những tập thể Đội được tặng danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ" như chi đội thiếu nhi thôn Bằng A (huyện Thanh Trì), với hợp tác xã Măng non tham gia trồng lúa thâm canh đúng kỹ thuật đạt 9,1 tấn/ha, chăn nuôi hàng trăm con gà, vỗ béo hàng chục trâu bò, từ 99 - 100% học sinh cấp I và cấp II được lên lớp, 100% thi đỗ hết cấp. ở Nghệ An, năm học 1967 - 1968 có 145 nghìn em phấn đấu đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ, tăng hơn năm học 1966 - 1967 tới 25 nghìn em. ở tỉnh miền núi Sơn La, phong trào phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ được các cấp bộ Đoàn quan tâm tạo điều kiện cho các em không ngừng vươn lên trong học tập, rèn luyện, "làm nghìn việc tốt". Ngay trong những năm đầu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhiều trường lớp phải sơ tán vào vùng sâu, sinh hoạt khó khăn vẫn có 11.000 đội viên thiếu niên, nhi đồng phấn đấu trở thành "Cháu ngoan Bác Hồ". Nhiều em đạt thành tích xuất sắc được tặng huy hiệu của Người, như em Hà Văn Yên, một mình cứu sống 4 em nhỏ khỏi bị chết đuối; em Lò Văn Lun nhặt được của rơi đã trả lại cho người mất; em Hà Văn Phi ngoài việc chăm chỉ học tập, còn tích cực tham gia lao động sản xuất, đã góp nhặt được 1.000 kg phân bón giao cho hợp tác xã; em Hà Thị Liên học giỏi toàn diện, 4 năm liền đều đạt danh hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ". Đặc biệt cả 4 chị em Liên đều là những đội viên gương mẫu, nhiều lần nhặt được của rơi đều mang trả lại cho người mất, trong đó có 2 lạng vàng.
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeWed Aug 29, 2007 8:18 pm

Ngày 1-6-1969, Tết Quốc tế thiếu nhi là lúc sức khỏe của Bác Hồ ngày càng yếu. Bác đề nghị tổ chức cho các cháu thiếu nhi Hà Nội vào vui chơi với Bác ở Phủ Chủ tịch và Bác vẫn viết thư cho các cháu như thường lệ, Bác viết: "...Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ".

Không ai nghĩ được rằng đó là lần cuối cùng các em được quây quần bên Bác vui Tết thiếu nhi Quốc tế và cũng là lần cuối cùng các em được đón nhận thư Bác. Ngày 2 - 9 - 1969, vào lúc 9 giờ 17 phút Bác đã vĩnh viễn ra đi. Trước lúc đi xa, Bác Hồ để lại cho thế hệ trẻ nước ta, cho các các cháu thiếu niên, nhi đồng cả nước "Muôn vàn tình thương yêu". Người đánh giá: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn có chí tiến thủ", và căn dặn: "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bác khẳng định: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết" (Di chúc).

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của thế hệ trẻ và theo đề nghị của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết cho tổ chức Đoàn, tổ chức Đội Thiếu niên, Đội Nhi đồng Việt Nam được mang tên Bác Hồ vĩ đại:

- Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

- Đội Nhi đồng Việt Nam nay là Đội Nhi đồng
Hồ Chí Minh.

Trong buổi lễ trọng thể trao Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho Đoàn, Đội được mang tên Bác, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 39 ngày thành lập Đoàn (26-3-1931 /26-3-1970), bác Trường Chinh, thay mặt Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã nói: "... trao cho Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên và Đội Nhi đồng vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta mong muốn thế hệ trẻ nước ta suốt đời trung thành với lý tưởng của Bác, học tập phẩm chất và đạo đức cao quý của Bác Hồ, đưa sự nghiệp của Bác, của Đảng đến thắng lợi hoàn toàn".

Hội nghị lần thứ 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khóa III) đã kêu gọi các em thiếu niên, nhi đồng: "Hãy học và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, thi đua làm nghìn việc tốt, ra sức xây dựng Đội vững mạnh, phấn đấu trở thành "Cháu ngoan Bác Hồ".

Nhận rõ vinh dự và trách nhiệm của Đoàn, của Đội, Đoàn ta tổ chức đợt sinh hoạt chính trị tập trung sâu rộng về tấm gương vĩ đại của Bác Hồ trong đoàn viên và thanh, thiếu nhi. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn coi đợt học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ, thực hiện 5 diều Bác dạy thanh niên, 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng là đợt sinh hoạt chính trị mở đầu, nhằm "Làm cho đoàn viên thanh niên, thiếu niên, nhi đồng thấm nhuần công lao, sự nghiệp, đạo đức của Bác. Từ đó nâng cao lòng tự hào, tin tưởng, đoàn kết quyết tâm phấn đấu, không sợ khó khăn gian khổ hoàn thành mọi nhiệm vụ để càng xứng đáng với Bác hơn nữa".

Kết hợp chặt chẽ với nhà trường, các cơ sở Đội đã tổ chức cho đoàn thể đội viên, thiếu niên, đội viên nhi đồng tham gia đợt sinh hoạt và phát động rộng rãi chủ đề "Vì vinh dự Đội, học tập tốt, lao động tốt", xây dựng "Lời hứa đội viên". Toàn Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh đã mở cuộc vận động xây dựng chi đội mạnh, liên đội mạnh, tập trung vào 5 mặt hoạt động của Đội.

Trong trường học phong trào thi đua "hai tốt" tiếp tục được nâng cao. Nhiều chi đội trong trường học phát triển phong trào "vở sạch, chữ đẹp", coi "nét chữ là nết người", tổ chức thi đua giữa các chi đội, liên đội tạo thành không khí rèn luyện phong cách học tập mới, có ý thức không ngừng nâng cao chất lượng từng tiết học, giờ học. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong (15-5-1941 - 15-5-1971) Trung ương Đoàn đã chỉ đạo thí điểm liên đội Bắc Lý thực hiện chủ đề: "Phát huy truyền thống Bắc Lý, vì vinh dự Đội, học tập tốt, lao động tốt", với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, thu được kết quả tốt và năm học 1972 - 1973, Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội Trung ương phát động rộng rãi trong các trường học toàn miền Bắc chủ đề: "Tiến theo Bắc Lý, vì vinh dự Đội, thi đua học tập tốt, lao động tốt" tạo nên không khí thi đua học tập, rèn luyện trong đông đảo đội viên thiếu niên, nhi đồng. Nhiều liên đội, chi đội đã sáng tạo những hình thức sinh động, đề ra những biện pháp tích cực thúc đẩy phong trào học tập, phát triển toàn diện. Riêng liên đội Trường THCS Bắc Lý liên tục đạt danh hiệu xuất sắc, dẫn đầu phong trào hoạt động Đội, được Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn tặng thưởng nhiều cờ và bằng khen, góp phần vào thành tích chung của nhà trường, được Nhà nước 8 lần tặng cờ thưởng luân lưu, 8 Huân chương Lao động (3 hạng nhất, 3 hạng nhì, 2 hạng ba), 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất. Hai lần Nhà nước tặng trường danh hiệu Anh hùng, năm 1985 và năm 2000.

Năm 1972 đế quốc Mỹ cho không quân và hải quân đánh phá trở lại miền Bắc Việt Nam, với mức độ ác liệt tăng lên gấp bội so với lần thứ nhất. Bom B52 của Mỹ rải thảm xuống Khâm Thiên, Uy Nỗ, An Dương (Hà Nội); thủy lôi Mỹ phong tỏa cửa biển Hải Phòng, Quảng Ninh... Nhiều trường học, một lần nữa lại phải sơ tán đến nơi an toàn. Các chi đội, liên đội vẫn tổ chức đội viên duy trì nền nếp học tập. Khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, chịu ký Hiệp định Pari về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam, đội viên thiếu niên, nhi đồng lại nhanh chóng cùng nhà trường bắt tay xây dựng lại trường sở. Nhiều chi đội đã làm chủ công trong việc xây dựng vườn trường, làm thêm nhiều dụng cụ học tập...

Tổ chức Đội ngày càng được củng cố vững mạnh, thật sự trở thành, một lực lượng giáo dục trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, theo tinh thần Nghị quyết về cải cách giáo dục của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tổ chức Đội được củng cố và phát triển, từng bước Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã có những cuộc giao lưu với thiếu nhi các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế. Năm 1958, lần đầu tiên thiếu nhi miền Bắc Việt Nam được đón nhận quà tặng của các bạn Đội Thiếu niên Tiền phong mang tên E. Thalmanr (Cộng hòa Dân chủ Đức cũ). Quà tặng gồm quần áo, sách vở và học cụ, kèm theo nhiều bức thư thể hiện tình cảm của các bạn thiếu nhi Đức đối với thiếu nhi Việt Nam. Quà tặng của các bạn thiếu nhi Đức được dành dùng làm phần thưởng hoặc được trao cho những bạn học sinh nghèo, có nhiều khó khăn.

Mùa hè năm 1971 lần đầu tiên một Đoàn Thiếu nhi Việt Nam đã được mời tham dự trại hè thiếu nhi Quốc tế tổ chức tại Artek (Liên Xô). Đoàn gồm một số em có thành tích trong học tập và hoạt động Đội, trong đó có em Nguyễn Rừng, một chi đội trưởng xuất sắc ở xã Kim Mã (Kim Sơn, Ninh Bình). Cũng trong năm 1971, một đoàn đại biểu thiếu nhi hai miền Nam - Bắc Việt Nam đã tham dự trại hè Wilhem Pieck, tại Cộng hòa Dân chủ Đức với tinh thần tuy là một đoàn nhưng hoạt động như hai đoàn. Mỗi đoàn có 5 em. Tham gia có anh Nguyễn Đức Thìn, một Tổng phụ trách Đội của trường Tam Sơn, Bắc Ninh và những em thiếu nhi hai miền Nam - Bắc có thành tích trong học tập, rèn luyện và chiến đấu. Có em từng là chiến sĩ diệt Mỹ, diệt xe tăng. Đặc biệt có em Liên là nhân chứng vụ thảm sát ở Sơn Mỹ (Quảng Nam). Một lần sang Tây Beclinh tố cáo tội ác của Mỹ trong vụ Sơn Mỹ, một nhà báo phương Tây hỏi Liên: "Có phải có ai đó đã xui em kể chuyện đó hay không? Mặc dù tuổi nhỏ nhưng Liên vẫn hiểu được dụng ý xấu của nhà báo đó, em đã phản ứng lại ngay, với một câu hỏi đặt ngược lại: Có phải chú đã được trả tiền để hỏi như vậy không? Gia đình, bà con làng xóm bị sát hại trước mặt cháu, làm sao cháu không căm thù, việc gì phải ai xui".

Nghe dịch xong, tên nhà báo phương Tây vội thanh minh mấy câu rồi biến mất. Còn báo chí tiến bộ ở Đức ca ngợi hết lời trí thông minh sắc sảo của Liên.
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeWed Aug 29, 2007 8:19 pm

Đến năm 1974, một Đoàn đại biểu thiếu nhi Việt Nam và 2 cán bộ phụ trách lại được mời tham dự Đại hội lần thứ VI thiếu nhi toàn Liên bang Liên Xô và tham dự Hội nghị những người lãnh đạo phong trào thiếu nhi các nước xã hội chủ nghĩa, tại trại hè Artek. Từ đó, hàng năm tổ chức Đội của thiếu nhi Việt Nam đều cử các đoàn đại biểu thiếu nhi tiêu biểu tham dự trại hè của thiếu nhi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Mông Cổ... Trong đó nhiều lần thiếu nhi miền Nam cũng đã cử những đại biểu xuất sắc của mình cùng tham dự, đem đến cho thiếu nhi cả nước niềm cổ vũ mạnh mẽ tinh thần học tập và rèn luyện, sự ủng hộ quý báu của bạn bè thế giới đối với cuộc đấu tranh của nhân dân và thiếu nhi nước ta.

Phong trào thiếu niên, nhi đồng ở các tỉnh, thành phố miền Nam sau khi được mang tên Bác Hồ vĩ đại (do điều kiện chiến tranh, đến tháng 6 - 1970, Đội Thiếu niên và Đội Nhi đồng các tỉnh, thành phố miền Nam chính thức được mang tên Bác Hồ) đã có những bước phát triển vượt bậc. ở các vùng giải phóng của tỉnh Quảng Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng) đến đầu những năm 70 đã có 60% các em thiếu nhi được vào Đội. Năm 1972, riêng các tỉnh Nam Bộ đã có 811.281 đội viên, 285.913 em khác được tập hợp dưới những hình thức khác nhau.

Tổ chức Đoàn các cấp, trong điều kiện khó khăn của chiến tranh vẫn thường xuyên quan tâm chăm lo công tác Đội. Bên cạnh việc định hướng hoạt động của tổ chức Đội trong từng thời kỳ, các kỳ Đại hội Đoàn đều có Nghị quyết về công tác Đội. Tổ chức Đoàn Thanh niên miền Nam đặc biệt coi trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ phụ trách Đội, bổ sung, kiện toàn bộ máy phụ trách công tác thiếu nhi đến tận cơ sở. ở cấp miền, Ban Thiếu niên, nhi đồng đã có tới 7 cán bộ chuyên trách, do một đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn phụ trách và một đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn trực tiếp làm trưởng ban. ở cấp tỉnh và phân khu đến cấp huyện đều có từ 2-3 cán bộ chuyên trách làm công tác thiếu nhi (Cà Mau, Rạch Giá). Ban Thiếu nhi Trung ương còn tổ chức biên soạn và phát hành thường xuyên "Sổ tay kinh nghiệm người cán bộ phụ trách", tạo điều kiện hỗ trợ cán bộ cơ sở kinh nghiệm hoạt động Đội. Nhiều chi đội ở vùng giải phóng, cũng như ở vùng tranh chấp, vùng do địch tạm kiểm soát đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp phần công sức xứng đáng vào việc tổ chức thiếu niên, nhi đồng tham gia nhiều trong công tác kháng chiến.

Chi đội Hàm Rồng đất mũi Cà Mau (huyện Năm Căn), khi còn nằm trong vùng giải phóng (thời kỳ 1960 - 1968), đã có không ít những hoạt động sôi nổi, thu hút hầu hết thiếu nhi trên địa bàn tham gia nhiều hoạt động thiết thực như xóa mù chữ, làm vệ sinh xóm ấp, giúp đỡ gia đình chính sách, tổ chức tập nghi thức Đội. Đội văn nghệ Chim Việt của chi đội từng đi biểu diễn ở nhiều xã trong vùng, góp phần tuyên truyền chính sách của Đảng, của cách mạng.

Khi địch tiến hành bình định, dồn dân, hầu hết thiếu nhi đều theo các anh, chị du kích vào "Làng Rừng", tổ chức làng chiến đấu, trở thành trụ cột của đội du kích. Các em cùng các anh, chị bố phòng tại những khu vực xung yếu, đánh biệt kích, bắt thám báo. Những bãi chông, bãi lửa (bãi mìn) của các em từng bẻ gãy nhiều cuộc càn của địch, làm thất bại chiến thuật "Hắc điểu ngủ rừng xanh" của chúng. Năm 1972, khi bộ đội ta bao vây Cái Nước và các vùng xung quanh, ngoài nhiệm vụ phối hợp tác chiến, các em còn tổ chức đánh cá làm khô tiếp tế cho bộ đội. Đồn Cựa Gà, đồn Đầm Cùng lần lượt bị tiêu diệt. Căn cứ nổi của địch bị nhấn chìm... buộc địch phải bỏ chạy khỏi chi khu Cái Nước. Quê hương được giải phóng, chi đội tổ chức rước đền thờ Bác Hồ từ "Làng Rừng" về làng cũ để nhân dân cùng được tưởng niệm.

Tiêu biểu cho hoạt động Đội vùng giải phóng có Liên đội Hoàng Lệ Kha, nơi chuyên dạy con em liệt sĩ, con cái cán bộ của tỉnh Tây Ninh, trường văn hóa tập trung đầu tiên của toàn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mang tên Hoàng Lệ Kha, một cán bộ cách mạng kiên cường đã hy sinh trong những ngày Mỹ - Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam tiến hành cái gọi là chiến dịch "tố cộng", "diệt cộng". Trong điều kiện chiến tranh, trường thường xuyên phải di chuyển, nhiều lần phải tự làm lấy nhà để ở, để làm lớp học, phải sản xuất tự túc một phần lương thực, thực phẩm... Không ít lần trường bị biệt kích bao vây, càn quét, bị pháo bắn vào khu vực trường, bị B52 rải thảm, có bạn bị chết, bị thương... Liên đội vẫn tổ chức, động viên các đội viên giữ vững tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục mọi hậu quả, bảo đảm kết quả học tập, giữ vững sinh hoạt và hoạt động Đội có nền nếp trong mọi hoàn cảnh. Hàng trăm đội viên lớn của liên đội còn nhiều lần cùng các anh, chị lớn tuổi, cùng các thầy cô đi vác đạn, tải thương phục vụ các chiến dịch đánh địch của các lực lượng vũ trang giải phóng. Liên đội đã báo cáo thành tích làm được lên Bác Hồ, bác Tôn. Bác Tôn đã thay mặt Bác Hồ gửi thư khen ngợi tập thể Liên Đội Thiếu niên Tiền phong Hoàng Lệ Kha làm được nhiều việc tốt.

ở vùng tranh chấp, Đội Thiếu niên Tiền phong thường có hai hình thức tổ chức: Đội bất hợp pháp hoạt động công khai ở căn cứ vùng lõm của xã; những đội viên sống hợp pháp trong ấp chiến lược thì hoạt động trong khu dồn, trong ấp, phối hợp với tổ chức Đội ở khu căn cứ nắm tình hình địch, tổ chức đánh địch. ở vùng tranh chấp Triệu Phong (Quảng Trị) có Đội Thiếu niên xã Triệu Vân, với trên 300 đội viên, liên tục lập công từ năm 1960 đến 1972, đánh 275 trận, diệt 409 tên địch (có 141 tên Mỹ), làm bị thương 566 tên (có 166 lính Mỹ), diệt 3 xe tăng, phá hủy 8 chiếc khác; tự làm được cả mìn, bàn chông tre, bàn chông sắt, làm hầm bí mật. Đã có 94 đội viên bị địch bắt từ 3 đến 15 ngày, bị đánh đập, tra tấn dã man, nhưng không một em nào khai báo điều gì với địch. Từ năm 1969 - 1972 địch điên cuồng bình định, dồn dân tách dân ra khỏi các cơ sở cách mạng, 62 đội viên đã tham gia móc nối được 152 cơ sở trong ấp chiến lược, trong thị trấn; có 35 đội viên tham gia du kích mật; 34 đội viên lớn trưởng thành thoát ly đi bộ đội, vào các cơ quan, 9 em sau đó đã hi sinh trong khi đang làm nhiệm vụ.

Trong các vùng địch tạm chiếm, hoạt động của tổ chức Đội Thiếu nhi thường đa dạng, tùy theo từng điều kiện, các em tham gia các công tác của cơ sở, làm liên lạc, tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược, dẫn đường cho các đội biệt động, các đơn vị đặc công luồn sâu vào vùng địch tổ chức các trận đánh tiêu hao, tiêu diệt lực lượng địch. Nhiều cơ sở Đội đã tổ chức thành những nhóm du kích thiếu niên mật, hoạt động khá táo bạo, làm kẻ địch nhiều khi phải bị động đối phó, như các Đội du kích Nguyễn Văn Trỗi (Điện Bàn, Quảng Nam), Đội Chim én (Bình Định), Đội Thiếu nhi Bình Sơn (Biên Hòa), Đội diệt ác Chim Quyên (Vĩnh Long), các Đội Chim Xanh, Phù Đổng... hoạt động ngay trong các quận nội thành Sài Gòn...

Từ năm 1972, tổ chức Đoàn Thanh niên các tỉnh, thành phố miền Nam chủ trương chuyển công tác thanh, thiếu nhi vào vùng yếu, vùng sâu, tổ chức Đội trong các vùng tạm bị địch chiếm đã có những bước phát triển đáng chú ý, trong đó có việc vận động đưa các nội dung giảng dạy tiến bộ vào trong các trường học. Tại Bến Tre, Đoàn đã khéo léo chỉ đạo đưa nội dung 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng vào các trường học ở cả các thị xã, thị trấn. Đáng chú ý là Đoàn thiếu nhi Phù Đổng ra đời và hoạt động trong lòng Sài Gòn, từ mùa xuân 1972 với 20 em ban đầu đã nhanh chóng phát triển lên 200 em. Ngoài ra còn lôi cuốn hàng chục em khác tham gia sinh hoạt với nhiều hoạt động phong phú ngay dưới con mắt nhòm ngó của bọn cò chìm, cò nổi của địch. Các em là tai mắt của nhiều hoạt động đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn. Trong đó có cuộc đấu tranh của Tổng đoàn học sinh Sài Gòn tưởng niệm học sinh Quách Thị Trang, ngày 25 - 8 - 1973. Mặc dù sau đó bị địch khủng bố, chị Nga (người tổ chức ra Đoàn Thiếu nhi Phù Đổng) và một số bạn bị bắt, song các em Lê Văn Thâu, Lê Thị Hoa, Phạm Thị Mai... vẫn tiếp tục tổ chức các hoạt động của Đoàn Thiếu nhi Phù Đổng. Tại Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) được sự chỉ đạo của Ban Thiếu nhi Trung ương Đoàn và Thành Đoàn Sài Gòn, lợi dụng âm mưu "đoàn ngũ hóa" thiếu nhi học sinh đã chỉ đạo cán bộ trong cơ sở giáo viên thành lập Liên đoàn nữ sinh trường Chi Lăng I, đưa các nội dung tiến bộ vào giảng dạy trong nhà trường, chuyển hóa từ 5 điều Bác Hồ dạy, sang thành 5 điều luật của Liên đoàn là:

- Yêu nước, yêu dân tộc Việt Nam
- Biết kính yêu thầy cô, vâng lời cha mẹ
- Dũng cảm anh hùng vì lẽ phải
- Kỷ luật và đoàn kết giúp nhau học tập
- Giữ vệ sinh chung, không coi sách báo ti vi nhảm nhí.

Liên đoàn nêu khẩu hiệu:

Sẵn sàng: vâng lời!
Sẵn sàng: cố gắng!
Sẵn sàng: học tập!

Liên đoàn tập hợp được 790 đoàn viên, trong đó có 490 đoàn viên chính thức, được đeo khăn quàng đỏ viền xanh, chia thành 12 đoàn và 50 toán. Liên đoàn có cả tờ nội san, góp phần giúp các em thiếu niên, nhi đồng phân biệt tốt xấu, phải trái, biết yêu và biết ghét đúng người, đúng sự việc. Phần lớn nội dung của nội san đều lấy những câu chuyện được đăng tải trên báo chí Sài Gòn về tội ác của lính Mỹ, những hình ảnh trẻ em lang thang sống bằng đồ thải của lính Mỹ... để thức tỉnh tinh thần dân tộc, hướng các em làm những việc có ích, tham gia công tác xã hội, dạy học cho trên 200 trẻ em nghèo, không có điều kiện cắp sách đến trường, làm bông giấy, búp bê bán, lạc quyên tiền ủng hộ quỹ cứu tế xã hội...
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeWed Aug 29, 2007 8:19 pm

Hoạt động Đội trong vùng địch tạm chiếm đóng cũng đã mang lại những hiệu quả thiết thực, nhất là trong việc tổ chức các đội viên tham gia các công tác kháng chiến, làm liên lạc, móc mối cơ sở, tổ chức nắm tình hình địch, giúp đỡ các lực lượng vũ trang giải phóng đánh địch. ở Mỹ Tho, trong những chiến công vẻ vang của Đội biệt động thành, có công sức đóng góp của Trịnh Văn Vũ, một thiếu niên mới 13 tuổi. Lợi dụng mình còn nhỏ tuổi, địch ít để ý, Vũ đã khôn khéo áp sát mục tiêu, điều tra, nghiên cứu trận địa, vận chuyển mìn, lựu đạn, súng ngắn... đến các vị trí tập kết để các chiến sĩ biệt động có cơ hội tiếp cận mục tiêu đánh địch. Trong đó có trận đánh của đội trưởng Huỳnh Văn Long vào nhà hàng ăn uống Việt Hải, nơi bọn sĩ quan Mỹ và bọn Ngụy ác ôn thường tụ tập. Nhà hàng nằm cạnh bờ sông Tiền, rất khó tiếp cận. Việc đưa khí tài đến gần mục tiêu càng khó khăn. Để đưa được quả mìn đến vị trí cần thiết, anh Huỳnh Văn Long đã phải ngâm mình dưới nước gần một đêm trời. Còn Trịnh Văn Vũ lại có thể qua mắt địch một cách dễ dàng. Trận ấy, đội biệt động thành phố Mỹ Tho diệt được 30 tên địch, có 8 tên Mỹ. Vũ được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" cấp I.

Trong chiến tranh ác liệt, kẻ địch khủng bố gắt gao, việc chuyển lương thực, thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là số cán bộ chiến sĩ hoạt động trong vùng địch tạm chiếm đóng, nhiều khi cũng là những cuộc chiến đấu sinh tử, đòi hỏi phải khôn khéo mới có thể qua được mắt địch. Tại chiến trường miền Đông - Nam Bộ, trong các năm từ 1969 đến 1971, các vùng đồn điền cao su phần lớn đều bị địch khống chế. Hàng ngày công nhân ra lô cạo mủ, các em đi thả trâu bò đều bị chúng kiểm soát gắt gao, không một thứ gì có thể lọt được ra ngoài, trong khi cán bộ nằm tại địa bàn thiếu thốn đủ thứ: thiếu gạo, thiếu muối, nhất là thuốc chữa bệnh... nhưng không thể tiếp tế. Các em thiếu nhi trong các sở cao su phải tìm đủ cách, từ việc buổi sáng phải ăn thật no, ăn cả phần cho buổi trưa, còn cơm lèn chặt trong guy gô chỉ để dành tiếp tế cho các chú, các anh cán bộ. Để cán bộ có chất ngọt bồi dưỡng sức khỏe, các em mua đường về hòa thật đặc vào nước cho vào can 3 lít để mang đi, tránh con mắt dò xét của bọn lính canh. Nhưng thuốc chữa bệnh thì không thể hòa vào nước các em phải tìm cách khác. Các em đan những cái rọ bịt mõm làm như để cai sữa cho bê lớn và hạn chế bê nhỏ bú sữa, giấu thuốc vào rọ để che mắt địch. Không chỉ các em ở vùng đồn điền cao su miền Đông Nam Bộ, các em thiếu niên, nhi đồng ở Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Lâm Đồng... trong nhiều lần cũng đã phải dùng mưu như thế khi muốn tiếp tế cho cán bộ cách mạng ở những vùng địch chiếm đóng, vùng tranh chấp.

Còn ở Cà Mau, em Cam là một đội viên thiếu niên, thường xuyên tích cực tham gia công tác Đội, bị thương nặng khi bom Mỹ đánh phá vào ấp, biết không thể qua khỏi, em chỉ nói với mẹ: "Con... chết... má bắt con gà chống Mỹ... góp với các bạn gởi cho các chú thương binh!". Con gà là một chuyện nhỏ, nhưng Cam đã gửi theo nó cả một ý chí lớn - ý chí đánh Mỹ của mình, cũng là ý chí của thiếu niên, nhi đồng miền Nam những năm tháng cùng cha anh tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ, cứu nước.

Nhiều em đã trở thành tai mắt của cuộc kháng chiến. ở Phù Cát (Bình Định), có em Vũ Bão, 10 tuổi đã có thể giúp má đưa thư, nhắn tin cho cán bộ cách mạng đang hoạt động tại địa phương. 12 tuổi Bão trở thành một giao liên tin cậy, thường đưa đón cán bộ đi lại hoạt động trong vùng. Em nắm chắc quy luật hoạt động của từng đồn bốt địch, nơi chúng thường tổ chức phục bắt cán bộ. Trong lần cảnh giới bảo vệ cuộc họp của huyện ủy tại xã Cát Khánh, bị địch bao vây, Bão đã dũng cảm dùng xuồng máy, đưa 11 cán bộ của Đảng thoát ra ngoài an toàn. Bị thương vào đùi, máu trào ra như xối, Bão vẫn bình tĩnh giữ chắc tay lái. Bị thương lần thứ hai, trúng ngực, Bão cắn răng, giữ hướng cho xuồng vào khuất sau doi cát có chòm dừa che khuất mới chịu buông lái, khi tim đã ngừng đập. Em được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tưởng nhớ chiến công của người Anh hùng nhỏ tuổi, thành phố Quy Nhơn lấy tên Vũ Bão đặt cho một con đường.

Cũng ở thành phố Huế còn có em Đỗ Văn Tràu, 14 tuổi đã tham gia Đội an ninh vũ trang của thành phố. Chiến đấu bị thương, bị địch bắt, giam cầm trong trại tù thiếu niên, Tràu vẫn tìm cách hoạt động. Em vận động 5 bạn thành lập Đội thiếu niên tiền phong, tham gia đấu tranh không treo cờ ngụy. Khi chúng thích vào tay các em hai chữ "sát cộng", Tràu lấy lửa đốt cháy chỗ da đó và vận động các bạn cùng làm theo. Địch khủng bố, các em tuyệt thực phản đối. Anh em tù binh thường gọi các em là "Đội thiếu nhi chống sát cộng". Tháng 10 - 1970, Đỗ Văn Tràu được kết nạp vào Đoàn và tháng 1 - 1973 được kết nạp vào Đảng.

Nhiều em thiếu niên, nhi đồng táo bạo tổ chức đánh địch ngay trong các thị trấn, thị xã. Hồ Văn Mên, quê ở xã An Thạnh, Lái Thiêu, mồ côi cả cha lẫn mẹ ngay từ ngày còn nhỏ, em phải ở với bà nội. Bà là cơ sở của chi bộ Đảng. Mên nhiều lần nài nỉ xin các chú cho vô du kích. Nhưng thấy em còn nhỏ, mọi người ngần ngại. Mên rủ bạn mình tên là Thu, tìm cách lân la chơi với bọn lính Mỹ để kiếm súng. Phong trào thiếu nhi tham gia đánh Mỹ ở quê Mên phát triển, nhưng phần lớn đều tự phát. Chi bộ Đảng ở địa phương thấy phải kịp thời tổ chức các em lại, hướng dẫn các em đánh Mỹ. Chi bộ họp, giao cho Đoàn Thanh niên lãnh đạo và tổ chức cho các em tham gia những công việc vừa sức, bảo đảm an toàn tối đa cho các em. Mỗi lần các em tổ chức đánh địch, Đoàn Thanh niên đều bố trí lực lượng hỗ trợ, bố trí cả lực lượng đội quân tóc dài do cô Ba Thà phụ trách, để khi cần đấu tranh không cho địch khủng bố các em. Mừng ngày sinh nhật Bác Hồ 19 - 5, tổ thiếu niên du kích của Mên xin các chú du kích cho đánh địch ngay trong thị trấn Phú Lợi, bằng những trái lựu đạn Mã lai các em được thưởng trước đó. Thị trấn Phú Lợi có sòng tài xỉu ở trong chợ, bọn lính ngụy, phần lớn là những sĩ quan ác ôn, thường tụ tập tại đó đánh bài.

Cái khó ở đây là làm thế nào đánh được địch, nhưng vẫn bảo vệ được dân. Chú Mười cử thêm Điền tăng cường cho nhóm của Mên và Thu, ngoài ra còn có tổ du kích của chú út sẵn sàng hỗ trợ khi cần. Mên và các bạn cho trái Mã lai vào những ổ bánh mỳ, hoặc gói xôi, bình thản tiếp cận mục tiêu. Nhưng mãi người trong chợ vẫn chưa vãn. Chờ đến hơn 10 giờ, vẫn còn 2 chị em một đứa bé bế nhau mê mải đứng xem đánh bài và một anh thanh niên đang say gỡ. Phải tìm cách mãi mới điều được những đối tượng này ra xa. Khi đã yên tâm chỉ còn lại trên chiếu bạc bọn sĩ quan ác ôn đủ các sắc lính ngụy, Mên mới ra hiệu, để cùng lúc 3 trái Mã lai được tung vào giữa đám bạc, làm chết một lúc 30 tên, 29 tên khác bị thương, trong đó có 5 tên sĩ quan và 10 tên bình định.

Tổ thiếu nhi du kích của Hồ Văn Mên còn mưu trí đánh địch nhiều trận, đánh cả bọn lính Pắc Chung Hi. Có trận Mên tổ chức đặt mìn định hướng vào trong một gánh cỏ của một bác cơ sở để bác gánh đến gần chỗ bọn địch sư 5 đang co cụm, mới điểm hỏa, mìn nổ thổi bay cả đám lính địch, còn Mên thì rút êm. Riêng Hồ Văn Mên đã diệt 80 tên, 3 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt cơ giới và dũng sĩ Quyết thắng cấp ưu tú, được cử đi dự Đại hội thi đua của Khu và tham gia đoàn đại biểu của Khu dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn miền Nam.

Những dũng sĩ nhỏ tuổi xuất hiện ngày càng nhiều, mỗi người một vẻ lập công. Lê Văn Nghĩa ở Hóc Môn, dùng búa đánh mạnh vào huyệt "phong thủ" giết tại chỗ tên Theo chỉ huy bọn biệt kích gian ác; Trần Văn Chẩm, ở đất thép Củ Chi, đã dũng cảm xử tội chết tên đại diện Chưng có nhiều tội ác với nhân dân ngay tại một quán nước bên đường chỉ bằng một phát súng. Về sau địch bắt được em và Chẩm đã hi sinh lúc mới 14 tuổi. Trần Văn Chẩm được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (Tuyên dương 6 - 1995).
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeWed Aug 29, 2007 8:20 pm

Sau thắng lợi của các hoạt động quân sự trong Đông - Xuân 1972, vùng giải phóng được mở rộng ở miền Đông - Nam Bộ, tỉnh Bình Phước được thành lập. Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cuối năm 1973, lần đầu tiên Đại hội "Cháu ngoan Bác Hồ" cấp tỉnh được tổ chức. 100 đại biểu "Cháu ngoan Bác Hồ" tiêu biểu cho phong trào thiếu nhi miền Nam những năm chiến đấu chống Mỹ gian khổ và oanh liệt của tỉnh Bình Phước đã dự Đại hội, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần vươn lên lập công không chỉ đối với thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh. Một số địa phương khác như Cà Mau, Tây Ninh cũng đã tiến hành xét chọn và mở "Đại hội thiếu nhi Thành đồng". Tuy diện tổ chức được "Đại hội Thiếu nhi Thành đồng" chưa rộng song cũng đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào "Việc nhỏ chí lớn" của thiếu nhi miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Vùng giải phóng được mở rộng, thiếu niên, nhi đồng miền Nam ngày càng được quan tâm chăm sóc về đời sống, về học tập, vui chơi. Trong nhiều năm trước việc học tập của thiếu niên, nhi đồng ở các vùng giải phóng đã có những bước phát triển đáng chú ý. Chỉ riêng ở Cà Mau, trước năm 1968 đã có 40.000 học sinh các cấp. Nhưng sau chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1968, kẻ địch đẩy mạnh bình định, đánh phá ác liệt nhiều vùng căn cứ cách mạng. Việc học tập của các em gặp khó khăn. Trường lớp phân tán, không ổn định. Nhiều nơi các em phải ăn ngủ dưới hầm, vệ sinh không đảm bảo, sức khỏe giảm sút. Chất lượng học tập sút kém dần. Sau năm 1972, việc học tập của các em từng bước được khắc phục. Các em nêu khẩu hiệu "Đi học là thắng Mỹ, học giỏi là dũng sĩ", không ngừng phấn đấu vươn lên. ở phân khu 2, các em nêu quyết tâm "Căm thù Mỹ em gắng học chăm". Phong trào học tập của các em đi dần vào nền nếp, chất lượng học tập không ngừng được nâng lên. Nhiều em phấn đấu trở thành học sinh giỏi.

Cùng với việc đẩy mạnh phong trào học tập, một số địa phương, bước đầu đã đi vào hoạt động theo những chủ đề thích hợp, như "Em yêu anh giải phóng quân", hoặc "Lít gạo nuôi quân, góp phần thắng Mỹ" "Con khô (cá) gửi ra tiền tuyến", "Chòi của bộ đội"... Chỉ tính sơ bộ, trong 5 năm (từ 1966 - 1970), thiếu niên, nhi đồng các tỉnh, thành
phố miền Nam đã trồng được 1.150.000 cây xanh, cây ăn trái; 900.000 gốc mì cách mạng; ủng hộ bộ đội 123.356 kg rau xanh, 900 con gà, 1.500 kg cá khô; góp 2.000 lít gạo nuôi quân.

Những năm từ 1954 - 1975, là thời kỳ thiếu niên, nhi đồng nước ta, cũng như cha anh mình, phải trải qua nhiều thử thách, đôi khi vượt rất xa những gì lứa tuổi các em có thể có, cả thể chất, tâm, sinh lí và nhất là năng lực hành động. Cũng là thời kỳ tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh, được sự quan tâm chăm sóc của Đảng, của Đoàn đã từng bước trưởng thành, hình thành hệ thống hoàn chỉnh, với Điều lệ, Nghi thức của Đội mang tính chất chính quy, tạo cơ sở để hoạt động Đội đi dần vào nền nếp, tổ chức các phong trào hành động cách mạng phù hợp, lôi cuốn đông đảo thiếu niên, nhi đồng không ngừng rèn luyện phấn đấu theo 5 điều Bác Hồ dạy, trở thành con ngoan trò giỏi, "Cháu ngoan Bác Hồ", góp phần đào tạo nên những thế hệ tuổi trẻ, đáp ứng nhu cầu sự nghiệp cách mạng như Bác Hồ từng mong muốn.

Đội Thiếu niên Tiền phong luôn gắn liền hoạt động và giáo dục của mình với thực tiễn cách mạng và lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, thật sự đã trở thành trường học cộng sản chủ nghĩa đầu tiên của tuổi trẻ, góp phần hình thành phẩm chất những thế hệ con người mới phát triển toàn diện, là nơi các em tập dượt để trở thành người chủ xã hội mới, thành đội hậu bị đông đảo của Đoàn và là lực lượng dự trữ trẻ tuổi của Đảng.

Các thế hệ thiếu niên, nhi đồng cùng cha anh đã trải qua những năm tháng cam go nhưng vô cùng oanh liệt, đánh thắng đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thu về một mối giang sơn gấm vóc, càng vững bước trên con đường xây dựng một xã hội giàu mạnh, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, công bằng, dân chủ và văn minh, dù còn phải vượt qua không ít thử thách trên con đường vạn dặm.
Về Đầu Trang Go down
Pe'H@i

Pe'H@i


Tổng số bài gửi : 31
Age : 29
Registration date : 20/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeThu Aug 30, 2007 8:25 am

ranh we' Ngao ha
Về Đầu Trang Go down
ong_khan_zduitinh




Tổng số bài gửi : 30
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeThu Sep 27, 2007 8:14 am

em doc 2 ngay` het' 1 trang hjhj
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeThu Dec 27, 2007 7:04 am

CHUONG IV
GÓP PHẦN XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (1975 - 1986)

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cả nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do - mong ước của Bác Hồ, của thiếu nhi và toàn dân tộc trải qua bao đấu tranh gian khổ bằng máu xương và nước mắt đã trở thành hiện thực. Hòa vào niềm vui chung thiếu nhi Việt Nam nô nức xuống đường hát múa mừng ngày hội toàn thắng, hân hoan cùng với các anh chị, cô bác tham gia học tập, lao động góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.

Vào những ngày Tổng tiến công và nổi dậy trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thiếu nhi miền Bắc vui mừng lắng nghe những tin thắng trận từ chiến trường miền Nam chuyển về. Các em đã tổ chức các hoạt động chào mừng chiến thắng ở các liên đội và bằng công tác Trần Quốc Toản, thiếu nhi miền Bắc đã gửi thư, gửi quà đến các chiến sĩ đang hành quân thần tốc tiến vào Sài Gòn. Nhiều địa phương đã tổ chức các đoàn thiếu nhi đến giúp đỡ các gia đình có con em và người thân đang chiến đấu ở chiến trường, đến vui cùng các chú thương binh đang điều trị và an dưỡng tại các đơn vị bộ đội.

ở các địa phương miền Nam, tổ chức Đội và thiếu nhi đã tích cực giúp đỡ các anh bộ đội, các đơn vị đang tiến công quân thù bằng cách tiếp nước, chuẩn bị lá ngụy trang, chuyển đạn và dẫn đường cho các anh khi tiến vào thành phố, thị trấn, thị xã, hoặc cùng với anh chị, cha mẹ tham gia thu gom vũ khí, quân trang quân dụng của lính ngụy bỏ lại khi tháo chạy.

Cũng như các đoàn thể khác, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục, Ban thiếu nhi thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng đã nhanh chóng hướng dẫn các hoạt động của Đội và thiếu nhi bằng việc thành lập các tổ, nhóm thiếu nhi tham gia các hoạt động cách mạng. Việc đầu tiên là các em cùng với các đoàn thể tổ chức đón tiếp các anh bộ đội và xóa những khẩu hiệu, cờ ba sọc mà chế độ ngụy vẽ trên nóc nhà, tường nhà và các khu sinh hoạt công cộng trước đây. Tổ chức Đội TNTP được mở rộng ở các vùng mới giải phóng, nhiều thiếu niên tích cực đã được vào Đội. Các chi đội, liên đội TNTP dần dần được thành lập các chi đội, liên đội trong nhà trường khi các trường học ở các tỉnh phía Nam khai giảng năm học mới.

Sau ngày giải phóng, các tỉnh phía Nam đứng trước nhiều khó khăn to lớn, nhất là vấn đề ổn định đời sống bảo vệ an ninh trật tự cho nhân dân. Lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với các tầng lớp nhân dân ngày đêm bảo vệ những thành quả cách mạng và giữ gìn an ninh trật tự. Theo gương các anh chị đoàn viên thanh niên, thiếu nhi các địa phương thông qua tổ chức Đội đã tổ chức các hoạt động giữ gìn trật tự an ninh, phát hiện tàn quân địch còn lẩn trốn. Đặc biệt là các em tham gia các hoạt động bài trừ văn hóa đồi trụy. Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố, thị trấn, thị xã khác đã thu thập hàng tấn băng nhạc vàng, tranh ảnh, sách báo đồi trụy để giao nộp cho các cơ quan chính quyền hủy bỏ.

Điều đáng mừng là song song với việc tham gia các hoạt động loại trừ văn hóa đồi trụy, nhiều tổ chức Đội đã phát động và tổ chức cho thiếu nhi tuyên truyền và thực hiện phong trào đọc sách, báo và thi tìm hiểu về sách báo cách mạng, phong trào xây dựng nếp sống mới trong thiếu niên học sinh, phong trào tìm hiểu về tổ chức Đội và phấn đấu vào Đội.

Tháng 12 năm 1975, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khóa III) đã đánh giá những thắng lợi của công tác Đội và phong trào thiếu nhi đồng thời bàn những nhiệm vụ của Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thời kỳ mới. Tại Hội nghị này, BCH Trung ương Đoàn đã phát động các phong trào lớn đối với đội viên và thiếu nhi cả nước như thi đua phấn đấu học tập và rèn luyện thân thể, xây dựng nếp sống mới gắn liền với phong trào thi đua phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ. Đối với các tập thể chi đội, liên đội trong nhà trường phấn đấu trở thành tập thể học sinh XHCN (sau này đổi thành tập thể Cháu ngoan Bác Hồ).

Tháng 6 - 1976, Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tại thành phố Hồ Chí Minh bàn về những nội dung, phong trào của Đoàn và thanh thiếu nhi cả nước hướng về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã thống nhất sự chỉ đạo chung trong cả nước của Đoàn, Đội, Hội. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đề nghị Trung ương Đảng trao cho Đội khẩu hiệu mới đáp ứng với nội dung giáo dục và nhu cầu phấn đấu rèn luyện của đội viên, đó là:

"Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa,
Vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại, hãy sẵn sàng !"

Với sự thống nhất tổ chức Đội trong cả nước và khẩu hiệu hành động mới sau khi nước nhà thống nhất, Đội TNTP bước vào trang sử mới. Số đội viên nhanh chóng phát triển cả ở miền Nam và miền Bắc. Những nội dung hoạt động của Đội đã gắn liền với các phong trào thi đua của Đoàn và các lực lượng xã hội trong đó tập trung vào phong trào thi đua học tập. ở các tỉnh phía Nam mới được giải phóng, tổ chức Đội và đội viên tích cực vận động các bạn đến trường học tập và giúp đỡ các bạn không có điều kiện đến trường. Sau này, với phong trào tham gia xóa mù chữ, thành phố Hồ Chí Minh đã tập hợp các em thành các lớp theo địa bàn dân cư, theo nhóm lao động và đặt tên là lớp học tình thương... Sau khi tổ chức Đội thống nhất cả nước, khăn đỏ trên vai đội viên đến trường đã tô đẹp cho những ngôi trường xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở miền Nam. Các bậc cha mẹ và gia đình rất tự hào con cháu mình được vào Đội TNTP Hồ Chí Minh với chiếc khăn quàng đỏ thắm trên vai.
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeThu Dec 27, 2007 7:06 am

Trong năm 1975 - 1976 công tác Đội và phong trào thiếu nhi mang khí thế của năm mừng vui đại thắng, thống nhất Tổ quốc, là những năm hành động sôi nổi thi đua chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng. Nổi bật là phong trào thi đua "Ngàn hoa việc tốt, dâng Đảng quang vinh". Những việc làm tốt, các gương sáng của tập thể và cá nhân đội viên nở rộ như hoa mùa xuân. ở thành phố Hồ Chí Minh có đôi bạn Sơn - Khang cõng nhau đi học đã có tác động lớn đến cuộc vận động thiếu nhi đến trường học, gây xúc động đối với các bậc cha mẹ và xã hội.

Qua phong trào thi đua học tập, nhiều bạn nhỏ trong thời Mỹ ngụy không được đi học nay được học ở các trường và các lớp tình thương; đồng thời với học tập các em được ổn định cuộc sống, được tham gia hoạt động xã hội góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương sau ngày giải phóng.

Tháng 12 - 1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng - Đại hội đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước diễn ra tại Hà Nội. Đoàn đại biểu 240 đội viên, thiếu nhi đại diện cho Đội TNTP và thiếu nhi cả nước đến chào mừng Đại hội Đảng. Các em dâng lên Đảng 90 triệu bông hoa đẹp nhất trong phong trào thi đua "Ngàn hoa việc tốt, dâng Đảng quang vinh". Em Phạm Thiều Hoa đã đọc lời chào mừng và hứa với Đại hội:

"Tự hào là những "Người chủ nhỏ tuổi" của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng cháu xin hứa với Đại hội thi đua học tập và rèn luyện theo 5 điều Bác Hồ dạy, xây dựng Đội vững mạnh để tiếp bước cha mẹ, anh chị làm cho non sông Việt Nam ngày càng rạng rỡ.

Trong tiếng kèn hùng tráng
Dưới cờ Đảng vinh quang,
Chúng cháu hứa sẵn sàng,
Vâng theo lời Bác dạy,
Thi đua kế hoạch nhỏ,
Xây tương lai huy hoàng.
Ngày mai tiến bước lên Đoàn,
Hiến dâng Tổ quốc muôn ngàn bông hoa.

Bác Trường Chinh, ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng thay mặt các cô bác đại biểu dự Đại hội đã biểu dương những thành tích của đội viên, thiếu nhi cả nước và căn dặn:

"Bác mong các cháu luôn luôn làm theo và làm đúng Năm điều Bác Hồ dạy, tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau ra sức học tập, rèn luyện tốt hơn nữa, tham gia lao động, giúp đỡ bố mẹ; tuỳ theo khả năng của các cháu, để mai đây kế tục xuất sắc sự nghiệp của Bác Hồ, của cha anh, làm chủ tập thể nước nhà, xây dựng xã hội Việt Nam tốt đẹp, hạnh phúc, vui tươi, xã hội Việt Nam xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

Chúc các cháu lập được nhiều thành tích trong phong trào thi đua "Ngàn hoa việc tốt, dâng Đảng quang vinh!"

Mong các cháu luôn luôn xứng đáng là Cháu ngoan Bác Hồ, là con em của nhân dân Việt Nam anh hùng!"

Sau thắng lợi của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, thực hiện lời hứa trước Đảng, các phong trào của Đội TNTP Hồ Chí Minh phát triển rộng khắp và sôi động, nhất là trong phong trào kế hoạch nhỏ thu hồi các loại phế liệu, giấy loại; các hợp tác xã măng non ở phía Bắc tích cực tăng gia, trồng cây, nuôi gia cầm... để gây quỹ làm kế hoạch nhỏ. Nhân ngày kỷ niệm Đội 15-5-1977 và kỷ niệm 87 năm ngày sinh của Bác Hồ ngày (19-5-1977), thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh đã ra quân làm kế hoạch nhỏ và nêu sáng kiến số tiền làm kế hoạch nhỏ của thiếu nhi cả nước thu được sẽ đóng "Đoàn tàu lửa mang tên Đội TNTP Hồ Chí Minh" chạy trên đường sắt thống nhất Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh. Sáng kiến này được đội viên và thiếu nhi niên đồng cả nước ủng hộ nhiệt tình. Thực hiện sáng kiến làm kế hoạch nhỏ để đóng "Tàu lửa TNTP" phong trào thi đua thu nhặt 4 triệu ki lô gam giấy loại - ước tính thành tiền là 4 triệu đồng (trong năm 1977) đã được tổ chức sôi động ở các chi đội, liên đội. Các em đã thu gom giấy loại, sách cũ của mình, của lớp, của trường. Mở rộng hơn, các em đã đến các cơ quan xí nghiệp, nhà máy để quyên góp giấy báo cũ các loại; nhiều chi đội, liên đội đạt thành tích xuất sắc, điển hình là em Lê Thị Trang 11 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh đã thu gom được gần 1 tấn giấy báo cũ để góp với phong trào, sau này em được cử đi dự trại hè Quốc tế.

Với không khí thi đua làm kế hoạch nhỏ của thiếu nhi cả nước để đóng tàu TNTP, tháng 2 - 1978, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã hoan nghênh sáng kiến của các em và bàn với Tổng cục đường sắt ủng hộ thiếu nhi một số tiền
để thực hiện kế hoạch nhỏ đóng đoàn tàu thiếu niên
tiền phong.

Nhân kỷ niệm 37 năm thành lập Đội, ngày 13-5-1978, anh Nguyễn Tiên Phong, Bí thư Trung ương Đoàn đã cùng chú Trần Mẫn, Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt ký nghị quyết liên tịch trong đó nêu rõ Tổng cục đường sắt đóng ngoài kế hoạch đoàn tàu mang tên Đội TNTP Hồ Chí Minh. Sau khi ký kết ủng hộ phong trào của Đội và thiếu nhi cả nước, Tổng cục đường sắt đã khẩn trương triển khai kế hoạch với sự tham gia rất nhiệt tình của các cô bác công nhân và các anh chị đoàn viên thanh niên của ngành để con tàu sớm hoàn thành.

Cán bộ, công nhân, đoàn viên ngành đường sắt đã vào Ninh Bình lấy một đầu tàu hỏa về sửa lại và Tổng cục đã giao cho nhà máy xe lửa Dĩ An đóng các toa xe cho đoàn tàu. Sau hơn 6 tháng, ngày 30 - 12 - 1978 đoàn tàu đã hoàn thành trong niềm vui mừng của cán bộ công nhân viên nhà máy xe lửa Dĩ An và toàn ngành đường sắt. Đoàn tàu đã chở đoàn đại biểu thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội để làm lễ khánh thành. Sau lễ khánh thành long trọng ở ga Hà Nội, Đoàn tàu TNTP đã đưa một đoàn đại biểu cán bộ phụ trách, đội viên, thiếu niên, nhi đồng đến thăm một đơn vị bộ đội đóng quân ở Biên giới phía Bắc Tổ quốc. Trong ngày hội vui đón kết quả của phong trào kế hoạch nhỏ trao cho thiếu nhi đoàn tàu Thiếu niên Tiền phong, đại biểu thiếu nhi cả nước vinh dự được đón Chủ tịch Trường Chinh thay mặt Đảng và Nhà nước đến thăm và khen ngợi các cháu thiếu niên nhi đồng cả nước.

Cũng ở thời điểm này, đội viên thiếu nhi ở các tỉnh, thành trong cả nước đã góp phần xây dựng các công trình cho chính thiếu nhi ở địa phương mình như: xe ô tô, các phương tiện hoạt động Đội và giúp các bạn nhỏ gặp khó khăn, giúp gia đình thương binh, liệt sĩ... các em đã thực sự góp phần xây dựng Tổ quốc bằng sức của mình như Bác Hồ đã dạy:

"Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tuỳ theo sức của mình"

Song song với việc phát triển phong trào kế hoạch nhỏ, công tác Trần Quốc Toản do Bác Hồ phát động từ tháng 2 - 1948 được đội viên và thiếu nhi cả nước tích cực tham gia. Các hoạt động thăm nom, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình neo đơn được phát triển mạnh theo cách các chi đội phân công đội viên kết nghĩa với từng gia đình. Nhiều tập thể Đội đã đến từng trại thương, bệnh binh để giúp các chú bộ đội bị thương từ chiến trường trở về. Nhiều tập thể Đội đã phát động phong trào tăng gia, chăn nuôi, tiết kiệm hàng tháng mang rau xanh, hoa quả, gà vịt... đến các trại thương binh tặng các cô chú thương binh. Một số liên đội đã tổ chức các chương trình văn nghệ cùng nhau đến các trại thương binh, bệnh viện để hát cho các cô chú nghe... ở Hà Bắc có danh hiệu "Cô Tấm thảo hiền" để tặng cho các bạn làm tốt công tác Trần Quốc Toản.

Phong trào Trần Quốc Toản phát triển mạnh mẽ trong đội viên và thiếu nhi cả nước, ở đâu cũng có những điển hình của các tập thể và cá nhân. Để biểu dương phong trào và cá nhân có thành tích tốt, năm 1978, nhân kỷ niệm 30 năm Bác Hồ gửi thư cho thiếu nhi làm công tác Trần Quốc Toản, Trung ương Đoàn đã tổ chức cuộc "Gặp mặt chiến sĩ nhỏ Trần Quốc Toản toàn quốc" tại Hà Nội từ 26 đến 27 - 7 - 1978 với 300 đại biểu xuất sắc nhất của phong trào được các địa phương cử về dự.

Trong cuộc gặp mặt lịch sử này, nhiều cá nhân và tập thể xuất sắc đã được tuyên dương và trở thành những điển hình của phong trào như các tập thể Đội xã Hợp Đức (tỉnh Hà Bắc cũ),
Quỳnh Đôi (tỉnh Nghệ An), Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa), chi đội trường cấp II xã Giao Châu (Hà Nam Ninh cũ), chi đội Kim Đồng (Chi Lăng, Thái Bình), liên đội TNTP trường cấp I Phan Chu Trinh (Hà Nội), các tỉnh Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Thuận Hải... thiếu nhi có những sáng kiến hay, tổ chức hoạt động Trần Quốc Toản đạt kết quả rất cao, được cô bác ở địa phương khen ngợi.

Tại khách sạn Thắng Lợi nơi diễn ra cuộc gặp mặt các chiến sĩ nhỏ Trần Quốc Toản đại diện cho hàng triệu các bạn thiếu nhi cả nước đã vui mừng được nhận thư khen ngợi của bác Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước và được đón bác Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đến thăm, chung vui. Bác ân cần khen ngợi, động viên các chiến sĩ nhỏ tuổi và mong muốn đội viên, thiếu nhi cả nước đẩy mạnh phong trào Trần Quốc Toản phát triển mạnh hơn. Tại cuộc liên hoan, các bạn Nguyễn Văn Lực, đại biểu thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Bạch Ngọc ở huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang, Phạm Hoàng Lâm ở Nghĩa Bình, Trịnh Hòa Bình ở trường Yên Đơ tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Đỗ Trọng Quỳnh liên đội phó trường cấp II Hợp Đức, Tân Yên, Hà Bắc (cũ), Trần Thị Phương liên đội trưởng trường cấp I - II Hưng Trọng, Bố Trạch, Quảng Bình... đã vui mừng báo cáo với bác Phạm Văn Đồng những thành tích của các chiến sĩ Trần Quốc Toản ở đơn vị, địa phương mình và tặng bác những chiếc huy hiệu chiến sĩ nhỏ Trần Quốc Toản v. v...

Em Trần Thị Phượng đã thay mặt các bạn tặng Thủ tướng Huy hiệu "Chiến sĩ kế hoạch nhỏ". Thủ tướng ôm hôn Phượng và nói vui:

"Như thế này bác mang làm sao hết. Các cháu bây giờ hơn các bác rất nhiều. Các bác chưa được một cái huy hiệu nào cả".

Trong niềm vui gặp gỡ, chiến sĩ nhỏ Trần Quốc Toản nào cũng muốn báo cáo với bác về thành tích của tập thể, địa phương mình. Bạn Phạm Thị Ngọc Huệ, đội viên thị xã Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang từ cuối hội trường nhanh chân lên ôm hôn và báo cáo với bác về thành tích của tập thể đội của mình đã giúp đỡ một bạn con gia đình liệt sĩ ở địa phương được đi học. Và rất bất ngờ - Ngọc Huệ nghẹn ngào thưa với bác Thủ tướng: "Cháu mới được ra Hà Nội lần đầu tiên, vào Lăng viếng Bác Hồ, lần đầu tiên được gặp bác, bác cho cháu hôn bác". Bác Phạm Văn Đồng vui cười đồng ý. Đó là nụ hôn của thiếu nhi miền Nam thân yêu với bác Phạm Văn Đồng tại cuộc gặp gỡ đầu tiên của thiếu nhi cả nước.

Sau ngày thống nhất Tổ quốc, các hoạt động Quốc tế của Đội có điều kiện phát triển mạnh. Đội TNTP các nước xã hội chủ nghĩa đã mời các bạn thiếu nhi nước ta đến dự nhiều trại hè Quốc tế như trại hè Vihempích (CHDC Đức) trại hè Arơtếch (Liên Xô), trại hè Vácna (Hunggari)... Vai trò của Đội TNTP Hồ Chí Minh đã được tổ chức thiếu nhi Quốc tế CIMEA đánh giá rất cao. Với tư cách là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam, đại diện Đội TNTP Hồ Chí Minh đã tham gia Đoàn Chủ tịch tổ chức CIMEA.
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeThu Dec 27, 2007 7:07 am

Năm 1977, Đại hội liên hoan thiếu nhi thế giới lần thứ nhất mang tên "Hãy để mặt trời luôn chiếu sáng" được tổ chức tại Mátxcơva (Liên Xô) từ 18 đến 31-7-1977. Đoàn đại biểu thiếu nhi nước ta do anh Trương Đình Bảng, Trưởng ban thiếu nhi Trung ương Đoàn làm trưởng đoàn cùng 43 đội viên xuất sắc nhất trong cả nước và 2 cán bộ phụ trách đã sang Liên Xô dự đại hội. Tại các cuộc trao đổi, Đoàn đại biểu thiếu nhi Việt Nam được các bạn đánh giá cao về các sáng kiến hay trong lĩnh vực tổ chức hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi. Trong các hoạt động của Đại hội, Đoàn Việt Nam đã giành 19 huy chương vàng về các cuộc thi văn nghệ, thể thao. Tiết mục múa lân đã được nhận giải đặc biệt. Báo Sự Thật của Đảng Cộng sản Liên Xô viết bài ca ngợi: "Đoàn đại biểu thiếu nhi Việt Nam gồm 43 em nổi bật như búp măng non vươn lên trong rừng cây non thế giới". Sau khi dự Đại hội ở Mátxcơva, Đoàn đại biểu thiếu nhi Việt Nam cùng thiếu nhi các nước đã cùng tham dự trại hè Arơtếch của Liên Xô bên bờ biển Hắc Hải.

Hoạt động của Đội và thiếu nhi cả nước trong những năm sau ngày giải phóng miền Nam mang khí thế cách mạng sôi nổi. Nội dung hoạt động Đội trong và ngoài nhà trường được gắn liền với nhau. Các liên đội trong nhà trường đã mở rộng và gắn với hoạt động chính trị, xã hội ở địa phương. Các cuộc mít tinh, tuần hành, cổ động.. ủng hộ cách mạng, ủng hộ cuộc sống mới, vận động nhân dân tham gia hàn gắn những vết thương chiến tranh có hiệu quả thiết thực càng khẳng định vai trò của Đội TNTP.

Đồng thời quá trình phát triển các hoạt động của Đội và thiếu nhi luôn gắn liền với các hoạt động bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em của Nhà nước ta và xu thế chung của thế giới. Năm 1979, năm Liên hiệp quốc lấy làm năm "Năm Quốc tế thiếu nhi" đã tạo thêm điều kiện thuận lợi để nhân dân thế giới thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc thiếu nhi tốt hơn. Hưởng ứng "Năm Quốc tế thiếu nhi", với sự tham mưu của Trung ương Đoàn, Nhà nước ta đã thành lập ủy ban năm Quốc tế thiếu nhi do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Cơ quan thường trực của ủy ban là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Trong năm Quốc tế thiếu nhi, công tác Đội và phong trào thiếu nhi nước ta được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội hết sức quan tâm nên đã thu được nhiều thắng lợi. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị toàn quốc tổng kết năm Quốc tế thiếu nhi, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch ủy ban năm Quốc tế thiếu nhi Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ đã đánh giá:

"Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh, dưới sự phụ trách của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đã đẩy mạnh các phong trào thi đua học tập và rèn luyện tốt như: Làm Kế hoạch nhỏ xây dựng đoàn tàu mang tên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, phong trào Trần Quốc Toản ra quân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"...

Cũng vào năm Quốc tế thiếu nhi, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã ra Nghị quyết về cải cách giáo dục, ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh "Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em" là tiền đề của Bộ luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em sau này; đó là cơ sở cho các phong trào, các cuộc vận động của Đội như "Cuộc vận động tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng" trong nhà trường, các phong trào "Kế hoạch nhỏ", "Trần Quốc Toản ra quân xây dựng bảo vệ Tổ quốc", phong trào "Xây dựng chi đội vững mạnh" đã có tác động tích cực trong công tác giáo dục đội viên và thiếu niên học sinh. Báo cáo tổng kết năm Quốc tế thiếu nhi của ủy ban năm Quốc tế thiếu nhi Việt Nam ngày 12 - 3 - 1990 nêu rõ: "Cuộc vận động tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng trong nhà trường, phong trào "Kế hoạch nhỏ", phong trào "Trần Quốc Toản ra quân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", phong trào "Xây dựng chi đội vững mạnh" của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đang có tác dụng giáo dục tốt. 70 vạn em được kết nạp vào Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, 40.043 chi đội được công nhận là chi đội vững mạnh và 2,5 triệu em được công nhận là Cháu ngoan Bác Hồ".

Năm 1979, thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ cả nước hướng về biên giới phía Bắc, cuộc vận động giúp đỡ đồng bào và trẻ em các tỉnh biên giới đạt kết quả tốt. Đội thiếu niên tiền phong có phong trào mỗi em đóng góp một học cụ cho thiếu nhi biên giới. Thiếu nhi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thuận Hải, Long An, Quảng Nam - Đà Nẵng, Phú Khánh đã tặng thiếu nhi các tỉnh biên giới hàng triệu học cụ và hàng triệu đồng, hàng vạn quần, áo.

Với tinh thần năm Quốc tế thiếu nhi, các cơ quan tuyên truyền xuất bản ở Trung ương và địa phương đã tích cực chăm lo cho trẻ em hơn. Nhà xuất bản Kim Đồng in 61 đầu sách với 4.807.000 bản, vượt kế hoạch in sách năm 1979 và đã tổ chức trại sáng tác cho thiếu nhi thu được 58 bản thảo. Nhiều địa phương như Hà Bắc (cũ), Phú Khánh, Thanh Hóa, Hà Tuyên, Hà Nam Ninh (cũ)... dẫn đầu trong xuất bản nhiều sách tranh, sách truyện, thơ, nhạc cho trẻ em. Báo Thiếu niên Tiền phong tăng thêm về số lượng xuất bản, riêng báo Khăn quàng đỏ của thành phố Hồ Chí Minh từ 2 vạn vượt lên 5 vạn tờ mỗi số.

Hầu hết các thành phố thị xã đều mở lớp năng khiếu cho các em về nhạc, họa, ca hát, thể dục thể thao,... thu hút hàng vạn em tham gia. Hình thức hội diễn nghệ thuật của thiếu nhi được chú ý và nhiều nơi đã tổ chức từ cơ sở đến tỉnh đạt kết quả tốt, phát hiện được nhiều em có tài năng. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ động tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hàng vạn cán bộ phụ trách, các trại hè Cháu ngoan Bác Hồ, trại hè con em liệt sĩ... đã thu hút hàng chục triệu trẻ em tham gia.

Hoạt động văn hóa nghệ thuật trong năm 1979 nổi lên là cuộc thi vẽ "Năm 2000 em sống như thế nào" thu hút hơn 2000 em dự thi, có 30 tranh được giải trong nước, 10 tranh gửi dự thi ở Pari và một số tranh khác gửi đi triển lãm ở các nước trên thế giới.

Trong cuộc thi sáng tác bài hát cho thiếu nhi ở trong nước để gửi tham dự cuộc thi Quốc tế do Liên hiệp quốc tổ chức, bài hát "Trái đất này là của chúng mình" nhạc của Trương Quang Lục phổ thơ Định Hải đoạt giải nhất của cuộc thi.

Năm 1979 cũng là năm có nhiều hoạt động Quốc tế của Đội TNTP và thiếu nhi Việt Nam; các đoàn cán bộ và thiếu nhi đi dự các hội nghị quốc tế bàn về công tác thiếu nhi như Hội nghị Aten, Hội nghị Manila, Hội nghị "Vì một tương lai cho hòa bình và đảm bảo cho tất cả trẻ em" ở Liên Xô, Đại hội thiếu nhi Quốc tế "Ngọn cờ hòa bình" ở Bungari và hàng chục đoàn thiếu nhi với gần 200 em cùng các cán bộ phụ trách đi dự trại hè ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Chúng ta rất cảm động trước những hành động đầy tình hữu nghị của nhân dân Liên Xô đã trích 75% kết quả của "Ngày lao động cộng sản" dành cho nhân dân và thiếu nhi Việt Nam, trẻ em ở nhiều nơi trên đất nước Liên Xô gửi thư và quà tặng thiếu nhi Việt Nam. Đặc biệt nước cộng hòa XHCN Bêlarút đã quyên góp giúp thiếu nhi Việt Nam gần một nghìn tấn hàng. Hội Hữu nghị Hunggari - Việt Nam giúp thiếu nhi Việt Nam một số chăn và vải may quần áo. Cu Ba đã dành toàn bộ kết quả lao động "Ngày chủ nhật đỏ" để tặng thiếu nhi ta; nữ thi sĩ Nôila Arôvi và chồng là nhạc sĩ đã sáng tác chung một bài hát "Xin gửi một cành ô-liu tặng Việt Nam"; hai nhạc sĩ Cu Ba đã dành toàn bộ giải thưởng của mình trong một cuộc thi âm nhạc quốc gia để tặng thiếu nhi Việt Nam. Chị Tacanô michicô, vợ nhà báo cộng sản Nhật Bản hy sinh tại Việt Nam khi làm nhiệm vụ đã gửi tặng thiếu nhi nước ta 400.000 yên...

Ngày 22-11-1980 Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ IV khai mạc tại hội trường Ba Đình- Hà Nội. Đoàn đại biểu đội viên và thiếu nhi xuất sắc nhất của Hà Nội cùng các bạn ở xã Thái Thịnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đại diện cho đội viên, thiếu niên nhi đồng cả nước đến chào mừng Đại hội. Trong lời chào mừng, các bạn đội viên, thiếu nhi xã Thái Thịnh đã nêu sáng kiến cùng các bạn thiếu nhi cả nước làm kế hoạch nhỏ để xây dựng khách sạn Khăn quàng đỏ ở Thủ đô Hà Nội làm nơi đón tiếp thiếu nhi cả nước khi về thăm Hà Nội, viếng Bác Hồ kính yêu. Cũng tại Đại hội, đội viên thiếu nhi cả nước đã hứa: "Sau những năm tháng hoạt động chúng em sẽ vui sướng được thay huy hiệu măng non bằng huy hiệu Đoàn, lễ trưởng thành của đội viên cũng đồng thời là lễ kết nạp vào Đoàn. Chúng em phấn đấu trong 5 năm tới sẽ giới thiệu lên Đoàn 2 triệu đoàn viên mới".

Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ IV đã tạo cho Đội TNTP Hồ Chí Minh bước phát triển mới; để nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức Đội, Đại hội đã ra Nghị quyết thành lập Hội đồng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Đây là sự thể hiện tích cực nhiệm vụ quan trọng "Toàn Đoàn chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng; toàn Đoàn chăm lo xây dựng Đội". Sau Đại hội Hội đồng phụ trách Đội Trung ương được thành lập theo Nghị quyết số 02/NQ ngày 19-1-1981 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn và công bố tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ II (Khóa IV) ngày 22-1-1981. Hội đồng phụ trách Đội Trung ương do anh Lê Thanh Đạo, ủy viên Hội đồng Nhà nước, Bí thư thứ hai Trung ương Đoàn làm Chủ tịch với 24 thành viên. Nghị quyết nêu rõ: Hội đồng phụ trách Đội được thành lập từ Trung ương đến cơ sở; Hội đồng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh, gọi tắt là "Hội đồng phụ trách Đội", là cơ quan do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lập ra để giúp Đoàn chỉ đạo công tác Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh.
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeThu Dec 27, 2007 7:07 am

Hội đồng phụ trách Đội có các chức năng, nhiệm vụ cụ thể:

1- Tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và của Đoàn về công tác thiếu niên nhi đồng, hướng dẫn Hội đồng phụ trách Đội cấp dưới về nghiệp vụ công tác Đội.
2- Cùng với Ban tổ chức các cấp của Đoàn và các ngành liên quan xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách Đội (quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và sử dụng cán bộ).
3- Thay mặt Ban Chấp hành Đoàn phối hợp với các ngành trong ủy ban thiếu niên nhi đồng cùng cấp trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, chăm lo xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động của Đội.
4- Chỉ đạo các trung tâm hoạt động Đội: cung thiếu nhi, nhà văn hóa thiếu nhi, câu lạc bộ, trường đào tạo cán bộ phụ trách Đội, trường cán bộ chỉ huy Đội, hướng dẫn các cơ quan xuất bản, báo chí, tuyên truyền của Đoàn phục vụ cho công tác thiếu nhi.

Hội đồng phụ trách Đội ở Trung ương ngoài nhiệm vụ trên còn có nhiệm vụ thay mặt Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh quan hệ với tổ chức Đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các tổ chức thiếu nhi dân chủ, tiến bộ trên thế giới; phát triển tình đoàn kết, hữu nghị, trao đổi kinh nghiệm và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với phong trào thiếu nhi nước ta. Nghiên cứu những vấn đề lý luận về tổ chức và hoạt động của Đội để giúp Đoàn chỉ đạo công tác Đội và đề xuất với các ngành hữu quan về công tác thiếu niên, nhi đồng.

Sau khi Hội đồng Đội các cấp được thành lập, công tác Đội và phong trào thiếu nhi có bước tiến mới. Cuộc hành quân truyền thống của thiếu nhi cả nước phát triển nhanh chóng trên quy mô toàn quốc với nhiều hình thức phong phú, có tác dụng giáo dục chính trị và đạo đức cho thiếu nhi, góp phần tạo ra không khí hoạt động sôi nổi trong nhà trường và có tác động tốt đến môi trường xã hội. Các phong trào đã thành truyền thống như "Công tác Trần Quốc Toản", "Kế hoạch nhỏ" được duy trì và phát triển. Hoạt động Đội trong nhà trường theo quy trình liên đội và chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp dần dần đi vào nền nếp. Nhiều liên đội mạnh, chi đội mạnh đã trở thành lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng nhà trường tiên tiến. Hoạt động thiếu nhi ở địa bàn dân cư bước đầu có nhiều điển hình tốt, các trung tâm giáo dục ngoài nhà trường của Đội như Câu lạc bộ, nhà thiếu nhi.. phát triển thành hệ thống. Phong trào xây dựng Sao nhi đồng tự quản, chi đội mạnh, giới thiệu đội viên lên Đoàn từng bước đi vào chiều sâu.

Hội đồng Đội nhiều tỉnh, thành đã năng động bám sát thực tiễn, có nhiều sáng kiến trong việc đề ra các hình thức hoạt động mới hấp dẫn. Phong trào "Tìm địa chỉ đỏ" của thành phố Hồ Chí Minh, "Công trình chúng em làm chủ" của Hà Nội, "Vì điểm tựa tiền tiêu" của Hoàng Liên Sơn và các tỉnh biên giới là những sáng kiến mới. Hội đồng Đội nhiều tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, Đoàn thanh niên ra Nghị quyết về tổ chức giáo dục thiếu nhi ở địa bàn dân cư và kết hợp với Sở giáo dục, ban thi đua tổ chức xét duyệt sáng kiến công nhận tổng phụ trách giỏi được các quyền lợi như giáo viên giỏi của các trường phổ thông ở Hải Phòng, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú, Nghệ Tĩnh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Sông Bé, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang.

Sau hai năm hoạt động, Hội đồng Đội các cấp đã từng bước khẳng định được vị trí vai trò của mình. Trước những kết quả đó, năm 1983, Ban Bí thư Trung ương Đoàn (Khóa IV) ra Nghị quyết số 46 bổ sung nhiệm vụ, chức năng của Hội đồng Đội khẳng định: "Hội đồng Đội là cơ quan đại diện cho tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh, Đội Nhi đồng
Hồ Chí Minh, nằm trong hệ thống tổ chức Đội từ cơ sở
(liên đội) đến Trung ương và do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trực tiếp phụ trách" và quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy, điều kiện, quan hệ của Hội đồng Đội. Như vậy, đến Nghị quyết 46 những vấn đề cơ bản về Hội đồng Đội đã được phát triển thêm, Hội đồng Đội vừa là cơ quan của Đoàn, vừa là bộ máy của tổ chức Đội. Đây là bước phát triển quan trọng về nhận thức và thực tiễn về công tác Đội và tổ chức Hội đồng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Ngày 15-5-1981, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Trong buổi lễ long trọng này, đội viên và thiếu nhi cả nước hân hoan vui mừng đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương cao quý của Đảng, Nhà nước tặng cho Đội TNTP Hồ Chí Minh. Bác Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay mặt Nhà nước đã gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Cũng từ đó, phong trào thi đua "Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ" được đội viên thiếu niên cả nước hăng hái thực hiện đạt những kết quả tốt đẹp. Theo nguyện vọng của các cháu ngoan Bác Hồ và thiếu nhi cả nước, Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ nhất từ 20 đến 26-8-1981 tại Thủ đô Hà Nội. 408 đại biểu về dự Đại hội trong đó có 305 cháu ngoan Bác Hồ gồm 180 nữ, 56 đại biểu của 27 dân tộc ít người và 35 anh chị phụ trách giỏi xuất sắc nhất của các tỉnh thành, 68 anh chị lãnh đạo Hội đồng Đội các cấp đại diện cho 2 triệu cháu ngoan Bác Hồ trong cả nước. Đây là Đại hội cháu ngoan Bác Hồ lịch sử sau ngày nước nhà thống nhất và tổ chức Đội được thống nhất mang tên Bác Hồ kính yêu.

Sáng ngày 23-8-1981, Đại hội tổ chức báo công tại Cung thiếu nhi Hà Nội. Bác Lê Duẩn Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến dự và nói chuyện với Đại hội. Bác Trường Chinh, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước cùng nhiều cô bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn thể ở Trung ương và Hà Nội đã gặp gỡ và nói chuyện với các cháu. Tới dự còn có đại diện các tổ chức quốc tế UNICEF và FAO và các em thiếu nhi ở các Đại sứ quán các nước xã hội chủ nghĩa.

Lễ báo công diễn ra tưng bừng, tươi vui và phong phú, đầy màu sắc. Các bạn Lê Bạch Hoa (đại biểu Hà Nội), Nguyễn Văn Giáp (đại biểu Bình Trị Thiên), Đặng Thanh Phương (đại biểu thành phố Hồ Chí Minh) thay mặt Đại hội báo cáo những thành tích đạt được trong phong trào học tập và rèn luyện theo 5 điều Bác Hồ dạy, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh lúc này có 11 nghìn liên đội, 140 nghìn chi đội với hơn bốn triệu đội viên, và hơn một triệu đội viên nhi đồng. Qua hai năm phấn đấu, đã có 53 nghìn chi đội mạnh và ba triệu em được tặng danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ. Có nhiều tấm gương tốt trong học tập, rèn luyện, giúp đỡ bạn, khắc phục khó khăn để học tập và làm công tác Đội, làm kế hoạch nhỏ, công tác Trần Quốc Toản, giúp các chú bộ đội bảo vệ biên giới Tổ quốc, và mưu trí dũng cảm, giúp các chú bộ đội bắt bọn phun rô bảo vệ buôn làng. Các em bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng và Nhà nước đã hết lòng chăm lo cho thiếu nhi, dành những tình cảm quý mến nhất và điều kiện vật chất ưu tiên nhất cho thế hệ mầm non. Các đại biểu đại hội xúc động lắng nghe lời Bác Hồ khen ngợi và căn dặn thiếu nhi, được ghi lại từ lúc sinh thời. Các em minh họa báo cáo của mình bằng những tiết mục nghệ thuật hồn nhiên sôi nổi và những đoạn phim phản ánh hoạt động mọi mặt của Đội ở khắp nơi.

Đại biểu thiếu nhi các dân tộc ùa tới tặng hoa bác Lê Duẩn. Bác Tổng Bí thư đón các cháu vào lòng và thân mật nói chuyện với Đại hội. Bác khen ngợi những thành tích của thiếu nhi cả nước và rất vui khi thấy các em biết tổ chức đại hội một cách phong phú và hấp dẫn. Bác căn dặn các cháu, phải biết làm chủ bản thân, xã hội và thiên nhiên từ những điều nho nhỏ ở lứa tuổi mình. Năm điều Bác Hồ dạy, không phải chỉ cho thiếu nhi mà cho cả người lớn. Con người sống là phải lao động, có tình thương và lẽ phải, đấy là đạo lý cuộc sống. Bác mong muốn các cháu làm được việc đó. Loài người gọi Việt Nam là lương tâm, các em hãy xây dựng lương tâm của Việt Nam. Thế giới nói Việt Nam anh hùng, các em sẽ là những anh hùng của Việt Nam.

Trong thư của Đại hội gửi lên Trung ương Đảng, thiếu nhi cả nước đã thể hiện quyết tâm làm theo lời dạy của Bác Hồ để trở thành cháu ngoan của Người, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng. Hướng tới Đại hội lần thứ V của Đảng, hưởng ứng khẩu hiệu "Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân", toàn thể đội viên và thiếu nhi quyết tâm thi đua lập nhiều thành tích trong học tập, lao động và rèn luyện ý chí cách mạng. Đại hội cũng đã kêu gọi thiếu niên nhi đồng cả nước dấy lên phong trào thi đua sôi nổi lập nhiều thành tích dâng lên Đại hội Đảng; hoàn thành tốt nhất chương trình năm học mới 1981 - 1982 và chương trình hoạt động của Đội.

Nhân dịp Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ nhất, ba đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hôxê Mácti con của các đồng chí cán bộ Đại sứ quán Cu Ba tại Việt Nam đã gửi thư tới Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và góp 300 đồng để đóng vào quỹ xây dựng khách sạn Khăn quàng đỏ. Đây là tiền do các em thu nhặt sách báo cũ, giấy loại ở các cơ quan của Cu Ba tại Việt Nam hưởng ứng phong trào kế hoạch nhỏ của thiếu nhi Việt Nam.

Tại sân Phủ Chủ tịch, bác Trường Chinh, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã gặp gỡ thân mật và vui cùng các đại biểu cháu ngoan Bác Hồ cả nước.

Bác Trường Chinh khen ngợi đội viên thiếu niên nhi đồng cả nước đã có những tiến bộ trong phấn đấu rèn luyện thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy. Đặc biệt bác khen ngợi phong trào kế hoạch nhỏ và công tác Trần Quốc Toản của Đội đã góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác Trường Chinh khẳng định:

"Từ trong cuộc sống tươi đẹp của các cháu hôm nay, nhìn về tương lai của Tổ quốc, những người có trách nhiệm, các bậc làm cha mẹ cần thấy một cách sâu sắc rằng, chỉ có độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội mới đem lại cho con em mình một cuộc sống hạnh phúc và tương lai tươi đẹp. Và chính việc xây dựng cuộc sống hạnh phúc và tương lai tươi đẹp ấy lại do thế hệ các cháu hôm nay trưởng thành lên và gánh vác lấy".
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeThu Dec 27, 2007 7:09 am

Năm 1983 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã thu hút gần 10 triệu lượt đoàn viên, thanh niên và thiếu niên tham gia "Cuộc hành quân theo bước chân những người anh hùng" hướng tới kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 10 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng và kỷ niệm 10 năm thống nhất Tổ quốc. Trong hai năm 1983 - 1984 tổ chức Đội và phong trào thiếu nhi đã có nhiều hoạt động phong phú để "Chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ" phấn đấu giành danh hiệu "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên - Cháu ngoan Bác Hồ". Năm học 1984 - 1985 có chủ đề "Mừng Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng" cổ vũ đội viên, thiếu nhi cả nước phấn đấu giành danh hiệu "Chiến sĩ nhỏ giải phóng quân - Cháu ngoan Bác Hồ".

ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã làm lễ ra quân thực hiện chủ đề "Mừng chiến thắng Điện Biên Phủ" và "Mừng chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng" hàng vạn em xuống đường với quần áo, mũ tai bèo... hóa trang, ăn mặc như các chiến sĩ năm xưa rồi cùng chia các mũi "tấn công" thể hiện khí thế hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Qua những hoạt động hướng về những ngày chiến thắng, phong trào "tìm địa chỉ đỏ" đã xuất hiện từ thành phố Hồ Chí Minh là hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng rất sáng tạo bắt nguồn từ công tác Trần Quốc Toản. Bằng việc thăm hỏi, chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ các bạn thiếu nhi thành phố đã tổ chức các nhóm đến từng gia đình ở địa phương để vẽ bản đồ, ghi địa chỉ cụ thể các gia đình đó. Khi đến với các gia đình thương binh liệt sĩ có công với cách mạng các bạn đã gắn những ngôi sao đỏ xinh xắn lên tường và cánh cửa ra vào của từng gia đình như một lần ghi công và cảm ơn các chiến sĩ đã vì nước, vì dân, vì tuổi thơ hôm nay. Chính trong phong trào "tìm địa chỉ đỏ", các đội viên, thiếu nhi cả nước đã ghi được nhiều câu chuyện anh hùng của các chiến sĩ và chính các em cũng tìm được nhiều chiến sĩ cách mạng lão thành, chiến sĩ quân đội nhân dân đã có công với nước để đến chăm sóc thường xuyên và đề nghị chính quyền địa phương làm các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước. Trong những ngày này đến thành phố Hồ Chí Minh gặp các liên đội TNTP là có thể tìm được, biết được các chiến tích anh hùng của các chiến sĩ cách mạng ở địa phương thông qua sự ghi chép, thăm hỏi chăm sóc đặc biệt là qua những tấm bản đồ, ghi địa chỉ đỏ của các em.

Qua các hoạt động trên, Đội đã thu hút hàng chục triệu em thiếu nhi tự giác học tập, rèn luyện bản thân; nhiều thiếu niên đã nhanh chóng được đứng vào hàng ngũ của Đội. ở thời điểm này, cả nước có 4,5 triệu đội viên TNTP và 2,5 triệu đội viên nhi đồng. Đây là một minh chứng về sự phát triển của tổ chức Đội. Chính trong các hoạt động, các em đã tự tu dưỡng để cùng nhau trưởng thành với 400.000 Sao hoạt động có chất lượng và 1,5 triệu nhi đồng đã được kết nạp vào Đội nhi đồng. Đội thiếu niên tiền phong đã giới thiệu cho Đoàn 800.000 đội viên ưu tú để Đoàn xét kết nạp. Các Liên đội Mỹ Thắng (Bình Lục - Hà Nam), Phạm Văn Cội (thành phố Hồ Chí Minh) có từ 80 đến 100% đội viên lớn tuổi được vào Đoàn, cả nước bình bầu được hơn 4 triệu "Cháu ngoan Bác Hồ - Chiến sĩ nhỏ Điện Biên", xây dựng được hơn 53.000 chi đội mạnh chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số chi đội trong cả nước.

Trên chặng đường hành quân "Học tập tốt" để góp phần xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa được Đội triển khai bằng nhiều hình thức hoạt động như tổ chức các "Đôi bạn điểm 10" mỗi điểm 10 là một viên đạn đại bác bắn trúng xe tăng địch, mỗi điểm 10 diệt được 1 tên xâm lược... đã lan rộng trong mọi liên đội. Nhiều điển hình xuất sắc xuất hiện, như em Phạm Minh Tú (Hà Nội) dẫn đầu kỳ thi toán cấp I toàn quốc, Dương Quỳnh Giao (Hà Nội) và rất nhiều em đã đạt điểm thi hết phổ thông cơ sở với số điểm 40/4 bài thi, Từ Ngọc Thương 12 tuổi là một trong số 40.000 học sinh nghèo học trong các lớp học tình thương của thành phố Hồ Chí Minh đã khắc phục mọi khó khăn để đến lớp học ban đêm nhưng 4 năm liền đều học giỏi, đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ là một cán bộ chỉ huy đội giỏi. Đặc biệt tinh thần giúp đỡ nhau trong học tập được đẩy mạnh, thiếu niên thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đỡ gần 30 vạn bạn không có điều kiện đi học được vào học các lớp học "Tình thương" và vào Đội. Thiếu nhi Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh, Hải Phòng cùng với cha anh nhanh chóng khắc phục các thiệt hại do thiên tai, đảm bảo học tập liên tục. Từ ngày thống nhất Tổ quốc đến cuộc vận động "Hành quân theo bước chân những người anh hùng", các em đã đóng góp 2.486.280 ngày công giúp các gia đình thương binh liệt sĩ. Ngoài ra, các hình thức kết nghĩa giữa các liên đội với các đơn vị bộ đội được triển khai rộng rãi. Liên đội Trưng Vương (Hà Nội) bằng lao động tiết kiệm may 8 lá cờ Tổ quốc gửi tặng các đơn vị ở trên các chốt phía Bắc. Nhạy bén với tình hình chính trị, Đội đã có phong trào tiết kiệm mua công trái xây dựng Tổ quốc. Nhiều điển hình xuất hiện như thiếu nhi Đồng Nai mua 33.200 đồng công trái, thành phố Hồ Chí Minh các em đã gửi 639.302 đồng vào quỹ tiết kiệm, 161.632 đồng mua công trái "Vì đàn em năm 2000".

Quá trình gắn hoạt động của Đội với xã hội đã tạo cho các em trưởng thành nhanh chóng, tạo cho các em tư cách của người công dân nhỏ tuổi để xây dựng đất nước. Nhiều công trình phúc lợi cho thiếu nhi được xây dựng bằng lao động tiết kiệm của các em. Từ nhà máy nhựa Thiếu niên tiền phong, Đoàn tàu thống nhất mang tên Đội TNTP, năm 1984 các em đã góp vốn để xây dựng khách sạn Khăn quàng đỏ và góp phần của mình làm nên nhiều nhà thiếu nhi, câu lạc bộ... bằng kết quả lao động kế hoạch nhỏ.

Ngoài ra, các em còn tham gia lao động, xây dựng địa phương của mình như trồng cây, sửa đường... ở Minh Hải thiếu nhi góp phần sửa 5.000 m đường phố, trồng 50 ha rừng tràm để làm xanh thêm rừng U Minh. ở Phú Khánh các em trồng được hàng vạn cây xanh và ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc các em đã phủ xanh hàng trăm đồi trọc bằng các loại cây bạch đàn, bồ đề... góp phần cùng cha anh làm giàu quê hương. Đội TNTP đã tổ chức các hợp tác xã Măng non, các đội chuyên bảo vệ thực vật, nuôi trâu bò béo... phát triển nhiều ở cả miền Nam và miền Bắc. Hàng năm, Đội đã góp hàng triệu ngày công cho các hợp tác xã và địa phương mình. Qua lao động, các em đã trưởng thành, nhất là sau khi tốt nghiệp phổ thông nhiều em về địa phương sản xuất, đã trở thành đội trưởng, đội phó sản xuất.

Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của Đội phát triển rộng khắp. Các bài hát truyền thống về Điện Biên Phủ như "Giải phóng Điện Biên", "Qua miền Tây Bắc"... các điệu múa sạp, xòe... được phổ biến rộng rãi cho tất cả các đội viên, hầu hết các đội viên đều thuộc và biết múa các bài quy định. Nhiều cuộc thi hát, thi múa, thi kể chuyện truyền thống đã được các địa phương tổ chức thu hút hàng vạn thiếu nhi tham gia. Cuộc thi sưu tầm truyền thống cách mạng địa phương giành danh hiệu "Nhà sử học trẻ tuổi" thu hút nhiều đội viên, thiếu niên tham gia. Các em Trần Phương Anh, Nguyễn Thị Hải Yến (Hà Nội) đã được Viện Sử học và Báo Thiếu niên Tiền phong công nhận "Nhà sử học trẻ tuổi". Các đơn vị: Vĩnh Thuỷ (Bình Trị Thiên), Kim Liên (Hà Nội)... đã có phong trào xây dựng phòng truyền thống và tổ chức sưu tầm những hiện vật lịch sử, tạo cho các em đội viên những hoạt động lý thú, bổ ích trong cuộc hành quân tìm về truyền thống.

Hoạt động quốc tế của Đội ở giai đoạn này được thể hiện bằng phong trào "Tình bạn bốn phương" giúp đội viên nước ta có quan hệ hữu nghị với thiếu nhi các nước trên thế giới đặc biệt là thiếu nhi Lào, Campuchia và Liên Xô. Các em gửi thư, tặng quà cho nhau, nhiều câu lạc bộ hữu nghị được hình thành.
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeThu Dec 27, 2007 7:09 am

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhiều em đã giúp các anh bộ đội, dân quân bắt những tên thám báo. ở Hoàng Liên Sơn hai em Trần Văn Hương và Phạm Văn Phong đã mưu trí dũng cảm bắt giữ được tên thám báo vừa xâm nhập vào địa phương. Cũng ở Hoàng Liên Sơn với tinh thần làm chủ, em Nguyễn Quang Huy, 14 tuổi đội viên liên đội Thái Ninh (Bảo Thắng) đã kịp thời báo cho các chú công nhân đường sắt cứu được một đoàn tàu khách từ Lào Cai về Hà Nội. Em Trần Giang Huy, 14 tuổi, Trần Tiến Thọ 7 tuổi đều cứu được bạn mình khỏi chết đuối. Em Nguyễn Thu Thủy đội viên nhi đồng lớp 2 trường Kim Đồng (Hà Nội) nhặt được 1 chiếc dây chuyền vàng nặng 3,2 đồng cân đã đưa cho cô giáo nộp lại cho ngân hàng vì không có ai đến nhận. Em Nguyễn Quang Tháo ở Phú Khánh cũng đã nhiều lần nhặt được của rơi đem trả người mất.

Trong năm học 1984 - 1985, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức cuộc họp mặt "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" tại Hà Nội và Hải Phòng từ ngày 2 đến 11-7-1984 có 180 đại biểu "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" xuất sắc nhất của cả nước đã về dự cuộc họp mặt tại Hà Nội và Hải Phòng trong đó có 84 đại biểu là nữ, 25 đại biểu là dân tộc ít người. Đoàn đại biểu thiếu nhi Lào và Campuchia cũng đã tham dự (mỗi đoàn gồm 10 thiếu nhi và 1 phụ trách).

Cuộc họp mặt chiến sĩ nhỏ Điện Biên đã tuyên dương thành tích của các tập thể và cá nhân đội viên có thành tích xuất sắc trong cả nước và sơ kết bước 1 cuộc vận động "Hành quân theo bước chân những người anh hùng". Cuộc gặp gỡ đã tạo khí thế thi đua mới chào mừng chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Hè năm 1985, cuộc họp mặt "Chiến sĩ nhỏ giải phóng quân" đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố biển Vũng Tàu từ ngày 21 đến 29 - 6 - 1985 với 281 đại biểu, trong đó có 156 nữ, 125 nam, 40 em là dân tộc ít người và 81 anh chị phụ trách.

Hai đoàn đại biểu thiếu nhi Lào và Campuchia đã sang dự cuộc họp mặt.

Buổi lễ báo công của các em đạt danh hiệu "Chiến sĩ nhỏ giải phóng quân" xuất sắc được tổ chức tại sân trước Dinh Thống Nhất,

Sau lễ báo công, bác Mai Chí Thọ, cùng các cô, bác lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã gặp gỡ toàn thể đại biểu tại Công viên Kỳ Hòa - công viên đẹp nhất của thành phố Hồ Chí Minh lúc ấy, được xây dựng sau ngày giải phóng.

Các đại biểu đã đi thăm và gặp gỡ các chiến sĩ cách mạng các khu di tích cách mạng Củ Chi, Hóc Môn, 18 thôn vườn trầu... và tập kết ở Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước để làm lễ xuất phát cuộc "Hành quân theo chân Bác", gặp gỡ các cô bác lãnh đạo đặc khu Vũng Tàu, thăm giàn khoan dầu và gặp gỡ các cô chú công nhân, chuyên gia khoan dầu thuộc liên doanh khai thác dầu khí Việt-Xô...

Cuộc họp mặt "Chiến sĩ nhỏ giải phóng quân" thành công tốt đẹp. Đây là cuộc họp mặt đầu tiên của đội viên thiếu nhi cả nước ở thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu - vào dịp kỷ niệm 10 năm chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, 10 năm thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau cuộc họp mặt, đội viên thiếu nhi cả nước phất cao cờ tiếp tục "Cuộc hành quân theo bước chân những người anh hùng" lập thành tích chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đội và tiến tới Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ 2 vào hè năm 1986.

Từ sáng kiến của các bạn thiếu nhi huyện Đông Anh thành phố Hà Nội, các tập thể Đội và thiếu nhi cả nước đã phát động rộng rãi phong trào kế hoạch nhỏ để xây dựng tượng Kim Đồng, người đội trưởng đầu tiên của Đội và di tích lịch sử Kim Đồng tại quê hương anh - nơi thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh. Các anh chị đoàn viên trường Đại học Kiến trúc đã ủng hộ sáng kiến của Đội và nhận thiết kế khu di tích và tượng Kim Đồng. ủng hộ sáng kiến của Đội TNTP Hồ Chí Minh về xây dựng khu di tích lịch sử Kim Đồng, Tỉnh uỷ, ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã nhanh chóng quy hoạch khu đất nơi Kim Đồng hy sinh trước đây.

Ngày 21-11-1985, Ban Bí thư Trung ương Đoàn và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng đã họp liên tịch quyết định khởi công xây dựng khu di tích vào ngày 22 - 12 - 1985 và khánh thành vào dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Đúng ngày 15-5-1986, ngày kỉ niệm 45 năm thành lập Đội, khu di tích Kim Đồng và tượng người anh hùng - đội trưởng đầu tiên của Đội Nhi đồng Cứu quốc đã được khánh thành. Từ đó đến nay, nhiều đoàn đại biểu các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đã thăm, viếng di tích Kim Đồng, đến với quê hương cách mạng Cao Bằng, nơi có suối Lênin, có núi Các Mác và hang Pác Bó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của thiếu nhi và nhân dân Việt Nam.

Chào mừng kỉ niệm 45 năm thành lập Đội, đội viên thiếu nhi cả nước đã mở cuộc thi đua tiến tới Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ hai được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và thành phố biển Hải Phòng từ 1-7 đến 9-7-1986 với 274 đại biểu, trong đó có 157 nữ, 117 nam và 73 anh chị phụ trách giỏi về dự.

Đại hội được đón đoàn biểu thiếu nhi Lào và Campuchia mỗi đoàn 15 bạn sang dự Đại hội.

Tối 4-7-1986 tại Hội trường Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh trong lễ báo công của Đại hội các đại biểu rất vui mừng được đón bác Trường Chinh ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước cùng các cô bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước khác đã đến dự. Bác Trường Chinh tuyên dương những thành tích của các cháu và căn dặn các cháu phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ.

Trong 5 năm, kể từ Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ lần thứ nhất, mỗi năm Đội đã kết nạp được từ 500 nghìn đến 1 triệu đội viên vào Đội TNTP và nhi đồng Hồ Chí Minh nâng tổng số đội viên và nhi đồng lên gần 9 triệu. Hàng năm có gần 5 triệu đội viên trở thành những Cháu ngoan Bác Hồ, riêng năm học 1985 - 1986 có 5,4 triệu em đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ. Sự trưởng thành của từng đội viên đã góp phần vào sự phát triển vững mạnh của Đội. Năm 1980 - 1981 mới có 53.000 chi đội mạnh là tập thể Cháu ngoan Bác Hồ thì đến năm 1986 phát triển lên 99.400 chi đội mạnh chiếm hơn 50% tổng số các chi đội trong cả nước. Sự vững mạnh của các chi đội là tiền đề cho Đội phát triển các phong trào mới ở trong và ngoài nhà trường và cũng là môi trường tốt để mỗi đội viên được phấn đấu rèn luyện trở thành đoàn viên. Thực tế trong 5 năm đã có hơn 2 triệu đội viên lớn được giới thiệu lên Đoàn và 931 nghìn bạn được kết nạp vào Đoàn là minh chứng rõ ràng, khẳng định sự lớn mạnh của tổ chức Đội.

Các phong trào và các hoạt động của Đội đã có những bước phát triển mới. Nổi bật là cuộc vận động "Hành quân theo bước chân những người anh hùng" bằng hai chủ đề "Chào mừng thắng lợi Điện Biên Phủ" năm học 1983 - 1984, "Chào mừng 10 năm chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng", năm học 1984 - 1985 và "Cuộc hành quân theo chân Bác" được tiến hành càng ngày càng có hiệu quả. Nét nổi bật của cuộc hành quân truyền thống Đội đã thu hút được đông đảo thiếu nhi tích cực tham gia.

Nhiều đơn vị chi đội, liên đội và địa phương đã xây dựng được các phòng truyền thống với các hiện vật lịch sử quý giá mà các em đã sưu tầm được như chiếc gậy Trường Sơn của đồng chí Võ Bẩm ở (Hà Nội), lá cờ Đảng của chi bộ đầu tiên (1930) ở Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) mảnh vải dù của Bác Hồ tặng chiến sĩ trong thời kì kháng chiến chống Pháp (Kim Liên - Hà Nội)... và hàng loạt các phòng truyền thống được tiếp tục bổ sung và hoàn thiện ở Liên đội Tam Sơn, Đình Bảng (Hà Bắc), Trưng Vương (Hà Nội), các phòng truyền thống mới xây dựng ở Chiềng Lề (Sơn La), Tân Hòa (Thái Bình), Ngô Quyền (Thành phố Hồ Chí Minh)... Trong hoạt động sưu tầm hiện vật truyền thống, nhiều đội viên TNTP đã được tặng danh hiệu "Nhà sử học trẻ tuổi". Bước vào "Cuộc hành quân theo chân Bác" hầu hết các cơ sở Đội đã hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ, qua đó đội viên và tập thể Đội có chương trình rèn luyện, lập công để báo công của mình bằng
"Sổ vàng làm theo lời Bác" và bằng các công trình của Đội.

Công tác Trần Quốc Toản ngày càng được phát huy mạnh mẽ, nét nổi bật trong giai đoạn này là phong trào "Vì điểm tựa tiền tiêu". Hướng về các chiến sĩ ở biên giới, hải đảo và làm nghĩa vụ Quốc tế, thiếu nhi cả nước trong 3 năm kể từ 1983 đến 1986 đã gửi: 14.699.534 lá thư và gửi 10.498.840 tặng phẩm như tem thư, phong bì, khăn, bút... cho bộ đội đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo. Liên đội trường PTCS Trương Vương (Hà Nội) bằng lao động tiết kiệm các em đã may 8 lá cờ Tổ quốc để tặng các đơn vị giữ chốt ở biên giới phía Bắc.

Liên đội Bích Sơn (Việt Yên - Hà Bắc) kết nghĩa với một đơn vị giữ chốt ở Lạng Sơn, hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán tổ chức đoàn đại biểu lên thăm và tặng quà cho các anh. Các em đã đến giúp các gia đình thương binh, liệt sĩ, bộ đội, từng gánh nước, bó củi đến bó tranh lợp nhà... đã đến với các gia đình thương binh, liệt sĩ, neo đơn. ở các chi đội, liên đội có đội viên là con thương binh, liệt sĩ, các em đã tổ chức giúp cho các bạn trong học tập và trong cuộc sống. Chỉ tính trong học kỳ I năm học 1985 - 1986 thiếu nhi Quảng Nam - Đà Nẵng đã tặng cho các bạn là con liệt sĩ số quà trị giá 32.370 đồng...

Những khẩu hiệu "Chưa thuộc bài, chưa đi ngủ", "Mỗi điểm 10 là một bông hoa, dâng thầy cô giáo", "Mỗi điểm 10 là một viên đạn diệt một xe tăng địch", "Đôi bạn cùng tiến" đã khích lệ mạnh mẽ phong trào thi đua học tập trong đội viên với hơn 263 nghìn cuộc thi vui học tập ở các liên đội và chi đội toàn quốc.

Cũng thời gian này, nhiều chi đội đã góp phần cùng các cô bác mở các "lớp học tình thương" các "lớp phổ thông phổ cập"... Các tập thể đội và từng đội viên, giúp đỡ một phần phương tiện học tập cho các bạn mồ côi, gặp khó khăn không có điều kiện học tập và hoạt động. Qua phong trào đã góp phần cùng xã hội giúp 132 nghìn bạn đã được đến lớp, trong đó thành phố Hồ Chí Minh có 40 nghìn em, ở Tây Ninh có 78 lớp thu hút 1.249 em theo học... các cuộc vận động giúp sách vở và các dụng cụ học tập cho các bạn ở những vùng khó khăn, bão lụt cũng được các em hưởng ứng có hiệu quả. Thiếu nhi An Giang đã nhanh chóng giúp các bạn Bình Trị Thiên số học cụ trị giá 6.373 đồng... Bằng sự cố gắng của mình và sự giúp đỡ của Đội, của nhà trường và của các thầy cô giáo, nhiều đội viên đã trở thành những học sinh giỏi toàn diện, nhiều em đã đạt giải trong các kỳ thi quốc tế và quốc gia. Trong năm học 1985 - 1986 đợt thi học sinh giỏi lớp 5 và lớp 8 toàn quốc đã có 199 đội tuyển với 1.660 em (có 24 em người dân tộc) tham dự và 75 đội với 380 em trúng giải 3 môn thi Văn, Toán, Ngoại ngữ.

Học gắn liền với hành, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Phong trào thi đua thực hành thí nghiệm, lao động sản xuất mang tính khoa học kỹ thuật ở trong và ngoài trường thu hút hầu hết thiếu nhi ở địa phương vào các hoạt động của Đội.

Bằng phong trào kế hoạch nhỏ, thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung góp phần xây tượng đài Bác Hồ; ở Lâm Đồng, Phú Khánh có công trình đóng xe ô tô mang tên Đội và nhiều địa phương có những công trình xây dựng nhà thiếu nhi, sắm phương tiện hoạt động cho Đội, hoặc để tặng các bạn ở địa phương khác như 50 bộ nghi thức trống, cờ Đội của thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh tặng các bạn ở Hà Quảng (Cao Bằng), trống của thiếu nhi Tiền Giang tặng các bạn ở Nà Mạ, quê hương anh Kim Đồng, và hàng trăm bộ trống của các tỉnh phía Nam tặng các bạn thiếu nhi Campuchia...

Thông qua các hoạt động của Đội, mỗi đội viên thực sự tham gia vào công tác xã hội cùng với cha anh làm sạch, đẹp đường phố, xóm làng. Những "Đội sao đỏ an ninh", "Chiến sĩ an ninh", "Đội chim xanh"... đã góp phần bảo vệ trật tự trị an, chống những hiện tượng tiêu cực trong xã hội ngày càng phát triển có hiệu quả. Năm học 1983 - 1984 có 23.412 đội bảo vệ an ninh đến năm học 1985 - 1986 đã phát triển lên 29.474 đội. ở Hải Phòng có 1.800 em hoạt động trong "Câu lạc bộ an ninh" phát hiện 200 vụ việc làm ăn phi pháp, lưu manh, trộm cắp tài sản, các đội sao đỏ ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa) góp phần bảo vệ đường dây điện thoại, bài trừ mê tín dị đoan và phát hiện ra những kẻ trộm cắp tài sản của Nhà nước và nhân dân. ở Lâm Đồng đã có 4 đội ở xã Dư Sai, 3 đội ở Da Chúp thường xuyên bảo vệ 1.500 ha rừng. Em Lơ Sa Ha Xếp liên đội phó trường Da Sa đã phát hiện và kịp thời huy động toàn liên đội dập tắt 5 vụ
cháy rừng.
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeThu Dec 27, 2007 7:10 am

Nhiều tập thể và cá nhân đội viên đã có hành động mưu trí, dũng cảm phát hiện và tham gia bắt bọn Phun rô. Trong một buổi chiều chăn trâu bạn Lê Văn Tiến và Mùng Văn Thiều ở trường Đào Viên 2 huyện Tràng Đinh, Lạng Sơn đã nhanh chóng phát hiện và báo cho dân quân những kẻ có hành động không bình thường, tình nghi buôn lậu,v.v... Các em K Mánh (Di Linh - Lâm Đồng), K Tăm (Lạc Dương), K Seo (Di Linh) đã cảnh giác phát hiện bọn Phun rô kịp thời báo cho dân quân bắt gọn. Nhiều tấm gương dũng cảm thông minh khác đã góp phần bảo vệ an ninh cho quê hương và vùng biên của Tổ quốc. Ngày 24-5-1986, Dương Trung Dũng người đội viên vừa được kết nạp Đoàn ở trường Quang Trung Hà Nội là tấm gương sáng ngời của người đội viên TNTP Hồ Chí Minh đã dũng cảm quên mình cứu bạn.

Trong các hoạt động của Đội, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đã thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia. Những tốp ca khúc Măng non, phong trào múa hát tập thể được phổ biến rộng rãi trở thành thường xuyên trong các buổi sinh hoạt ở nhiều liên đội và ở thôn xóm. Hàng năm cuộc thi tiếng hát "hoa phượng đỏ" được thiếu nhi các tỉnh, thành sôi nổi tham gia, những buổi biểu diễn văn nghệ, phục vụ cô bác càng ngày càng được tổ chức rộng rãi. Các tốp ca khúc thiếu nhi của các tỉnh biên giới đã lên tận chốt hát cho các chú bộ đội nghe. ở thành phố Hồ Chí Minh hình thành các điểm vui chơi ở xóm phường; các câu lạc bộ ở thôn xóm của Nghệ Tĩnh, Hà Nam Ninh (cũ)... phát triển mạnh. Phong trào thi điền kinh 4 môn, giải bóng bàn thiếu niên, các cuộc thi vẽ "Để mãi mãi màu xanh", " Em yêu Tổ quốc, em yêu hòa bình", các cuộc thi truyền thống, viết truyện, đọc và làm theo báo Đội đã được duy trì đều đặn thu hút hàng chục vạn em tham gia. Nhiều em đã đoạt giải quốc tế và quốc gia trong các cuộc thi viết, vẽ của thiếu nhi. Thông qua các hoạt động này, nhiều tài năng trẻ đã được phát hiện và bồi dưỡng.

Hoạt động quốc tế của Đội ngày càng được mở rộng. Với phong trào "Tình bạn bốn phương" các liên đội đã tổ chức các câu lạc bộ hữu nghị, các buổi sinh hoạt "Tìm hiểu Đội bạn". Phong trào kết nghĩa với thiếu nhi Campuchia của các tỉnh phía Nam càng ngày càng phát triển và có hiệu quả tốt đẹp. Hàng năm các đoàn đại biểu của thiếu nhi Campuchia và Lào đã sang dự các cuộc gặp mặt ở các trại hè của thiếu nhi Việt Nam. Các cuộc thi tìm hiểu đất nước Liên Xô, Tiệp Khắc... đã được đông đảo thiếu nhi Việt Nam tham gia và có em đã trúng giải được mời sang Tiệp Khắc dự trại hè quốc tế.

Phong trào hưởng ứng Festival 12, hưởng ứng cuộc chạy tiếp sức "Vì hòa bình" phát triển rộng rãi, các cuộc mít tinh "Vì hòa bình" và phong trào "1 triệu lá thư, 1 triệu việc làm", đã nhanh chóng lan rộng trong cả nước.

Những thành tích của đội viên, thiếu nhi cả nước đã phát huy truyền thống của Đội tạo nên những hoạt động sôi nổi, thu hút nhiều thiếu nhi tham gia trong và ngoài nhà trường. Những kết quả hoạt động đó đã góp phần làm rạng rỡ chặng đường 45 năm Đội TNTP Hồ Chí Minh, thể hiện rõ Đội là một lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, góp phần tích cực giáo dục đội viên, thiếu nhi trở thành những cháu ngoan Bác Hồ, đoàn viên TNCS từng bước hình thành nhân cách của người công dân xã hội chủ nghĩa.

Những thành tích đó là những trang vàng của một giai đoạn lịch sử của Đội và cũng là nguồn lực để đội viên, thiếu nhi và các tập thể Đội trong cả nước tiếp tục phất cao cờ Đội trong cuộc thi đua mới "Hành quân theo chân Bác Hồ kính yêu" và tiến tới Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ III".
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeThu Dec 27, 2007 7:11 am

CHƯƠNG V
THIẾU NIÊN VIỆT NAM TRONG HÀNH TRÌNH CÙNG DÂN TỘC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC (1986 - 2001)


Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986) với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật đã đề ra đường lối đổi mới đất nước tạo bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm công tác của Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi đó là:

- Từng bước đổi mới công tác tổ chức, cán bộ và công tác giáo dục chính trị tư tưởng để tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V.

- Đổi mới hoạt động của Đoàn trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, quan tâm đến những lợi ích chính đáng của tuổi trẻ.

Sự chỉ đạo đổi mới nội dung và phương pháp công tác của Đoàn đã tác động tích cực đến công tác Đội và phong trào thiếu nhi cả nước. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 11 năm 1987) đánh giá cao những thành tích của công tác Đội và phong trào thiếu nhi đã đạt được, đồng thời cũng chỉ rõ những thiếu sót cần phải khắc phục.

Báo cáo tại Đại hội khẳng định tổ chức Đoàn các cấp đã có nhiều chủ trương bám sát mục tiêu và nguyên lí giáo dục theo hướng đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của các em. Việc ban hành và chỉ đạo thực hiện chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp, làm cho hoạt động Đội đi dần vào nền nếp và ngày càng có chiều sâu. Nghị quyết 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khóa IV) đã được triển khai, mở ra nhiều hình thức tập hợp thiếu nhi trên địa bàn dân cư, xuất hiện nhiều mô hình tốt như các xã Thái Thịnh (Thái Bình), Mỹ Thành (Nghệ An)... Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V đề ra chủ trương: "Toàn Đoàn chăm lo xây dựng Đội và chăm sóc giáo dục thiếu niên, nhi đồng".

Cuộc "Hành quân theo bước chân những người anh hùng" do Đoàn phát động được các tổ chức Đội ở cơ sở nhiệt liệt hưởng ứng. Đỉnh cao của cuộc hành quân là các cuộc gặp gỡ "Cháu ngoan Bác Hồ, Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" năm 1984; "Chiến sĩ nhỏ giải phóng quân" năm 1985; Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ II năm 1986.

Các phong trào đã trở thành truyền thống như "Công tác Trần Quốc Toản, "Kế hoạch nhỏ", "Tiến bước lên Đoàn" v. v... ngày càng được phát triển. Thành phố Hồ Chí Minh, Sông Bé có phong trào "Tìm địa chỉ đỏ" "Lớp học tình thương"; Hà Nội và Hải Phòng có "Sưu tầm truyền thống cách mạng"; Đồng Tháp có "Theo dấu vết son"... Hoạt động học tập, hướng nghiệp và vui chơi phát triển thêm nhiều hình thức mới. Đội còn tổ chức nhiều hoạt động xã hội như "Vì điểm tựa tiền tiêu", "Sao đỏ an ninh", "Câu lạc bộ phòng cháy, chữa cháy trẻ"; "Chữ thập đỏ trẻ" v. v... Hoạt động đoàn kết quốc tế được đẩy mạnh. Nhân năm "Quốc tế hòa bình" phong trào "Triệu lá thư, triệu việc làm vì hòa bình" từ Thủ đô lan nhanh ra nhiều tỉnh, thành phố. Báo Thiếu niên Tiền phong mở cuộc thi tranh vẽ quốc tế "Để mãi mãi xanh" được đông đảo thiếu nhi trong nước và quốc tế hưởng ứng, nay đã trở thành cuộc thi truyền thống hàng năm.

Ngoài việc biểu dương những chuyển biến đáng kể như đã nêu trên, báo cáo của Đại hội còn chỉ rõ: Toàn Đoàn chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về công tác thiếu nhi và vai trò, vị trí của tổ chức Đội. Nhiều cấp bộ Đoàn còn buông lỏng chỉ đạo, nhiều chủ trương, nghị quyết về công tác thiếu nhi không được triển khai, có nơi còn khoán trắng cho cán bộ phụ trách.

Với tinh thần xây dựng Đoàn bắt đầu từ xây dựng Đội để thực hiện chương trình: "Toàn Đoàn chăm sóc giáo dục thiếu nhi, toàn Đoàn chăm lo xây dựng Đội" cần tăng cường xây dựng và phát triển tổ chức Đội, mở rộng các hình thức hoạt động Đội trong nhà trường và trên địa bàn dân cư được mở rộng để thu hút tất cả thiếu nhi đi học và không đi học vào tổ chức Đội. Tiếp tục giáo dục theo 5 điều Bác Hồ dạy, hình thành trong thiếu nhi tính tích cực chính trị, xã hội, tình yêu lao động, sáng tạo, nếp sống, đạo đức lành mạnh. Bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện để đội viên phát huy vai trò tự quản, xây dựng nhiều chi đội mạnh, liên đội mạnh, Sao nhi đồng tự quản. Qua hoạt động Đội, thiếu niên nhi đồng phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ, thành đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, Đội TNTP Hồ Chí Minh đã phát động trong thiếu niên, nhi đồng cả nước phong trào "Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ".

Đại hội cũng đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể như tập trung phát triển các nhà thiếu nhi, câu lạc bộ thiếu nhi, điểm vui chơi, hợp tác xã Măng non; các hình thức hoạt động văn nghệ, thể thao, tham quan du lịch... nhằm tập hợp đông đảo thiếu nhi hoạt động theo sở thích.

Tập trung xây dựng Hội đồng Đội các cấp đủ sức tham mưu cho Đoàn và chỉ đạo công tác thiếu nhi, phối hợp với các ngành, đặc biệt là giáo dục để nhanh chóng có quy hoạch xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo hệ thống cán bộ phụ trách Đội, từng bước hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi về công tác thiếu nhi.

Xây dựng trường Đội ở Trung ương, củng cố khoa thiếu nhi của Trường Đoàn các tỉnh, thành phố. Khuyến khích các địa phương xây dựng Trường Đoàn, trường cán bộ Đội để bồi dưỡng cán bộ ban chỉ huy, phụ trách chi đội, cộng tác viên cả trong và ngoài nhà trường. Liên các lực lượng xã hội để bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Cũng ở thời điểm này, cùng với phong trào "Ngày lao động vì tương lai con em chúng ta" do ủy ban thiếu niên, nhi đồng phát động, Đoàn đã tích cực thực hiện và đề xuất với Đảng, chính quyền các cấp xây dựng cơ sở vật chất cho công tác giáo dục thiếu nhi. Đồng thời tổ chức Đoàn kiến nghị với các lực lượng xã hội có sự phân công, phối hợp trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu nhi để mỗi ngành, mỗi cấp có kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện một cách thiết thực và có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục thiếu nhi với khẩu hiệu "Tất cả vì hạnh phúc con em chúng ta".
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeThu Dec 27, 2007 7:13 am

Với quan điểm xây dựng Đoàn bắt đầu từ xây dựng Đội, Đại hội Đoàn lần thứ V một lần nữa khẳng định Đội TNTP Hồ Chí Minh là "Tổ chức quần chúng cộng sản của thiếu nhi Việt Nam" là "lực lượng dự bị của Đoàn". Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V cũng chỉ rõ cần "Tích cực mở rộng các hình thức hoạt động Đội ở nhà trường và ở địa bàn dân cư, thu hút tất cả các em đi học và không đi học vào tổ chức Đội", với quan điểm, nhận thức đó Đại hội khẳng định sự thống nhất Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh với Đội TNTP Hồ Chí Minh. Việc thống nhất này đã góp phần tăng cường vị trí, vai trò của Đội TNTP Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới và xác định rõ nhi đồng là lực lượng dự bị của Đội TNTP Hồ Chí Minh. Các em sinh hoạt theo các Sao nhi đồng, mỗi sao 5 đến 7 em, phụ trách sao là các anh, chị đội viên TNTP; mục tiêu phấn đấu của nhi đồng là trở thành đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh. Đại hội quyết định hoàn thiện Hội đồng Đội Trung ương trên cơ sở Nghị quyết 46 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn khóa IV. Hội đồng Đội được thành lập từ Trung ương đến cơ sở (gọi tắt là Hội đồng Đội). Hội đồng Đội vừa thay mặt cho Đoàn, vừa đại diện cho Đội TNTP Hồ Chí Minh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của Đội và phong trào thiếu nhi ở trong nước cũng như trong quan hệ đối ngoại. Sau Đại hội Đoàn toàn quốc, ngày 6 tháng 3 năm 1988 Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã quyết định thành lập Hội đồng Trung ương Đội TNTP Hồ Chí Minh khóa II (gọi tắt là Hội đồng Đội Trung ương) gồm 21 đồng chí đại diện cho các Ban của Trung ương Đoàn và lãnh đạo Bộ Giáo dục tham gia do anh Phùng Ngọc Hùng, Bí thư Trung ương Đoàn làm Chủ tịch.

Ngày 23 tháng 9 năm 1988 Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa V đã họp và kết luận về "Một số vấn đề tổ chức hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh". Nội dung các kết luận của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn nêu rõ:

- Về công tác tổ chức của Đội phải chú trọng đến tính chất tự quản và dân chủ trong sinh hoạt Đội.

- Tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh trong nhà trường cho những em đi học và tổ chức Đội ngoài nhà trường cho những em chưa có điều kiện đến trường. Tiến hành thí điểm tổ chức Đội hỗn hợp trên địa bàn dân cư. Mục tiêu là những nơi nào có các em thì ở đó phải có tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh để thu hút, tập hợp các em vào hoạt động Đội, quy định tính chất, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy cụ thể cho Hội đồng Đội ở từng cấp. Hướng chung là: Hội đồng Đội vừa có tính chất đại diện của các em thiếu nhi là bộ phận của Đoàn trực tiếp phụ trách Đội. Tuy nhiên tính đại diện ở mỗi cấp có khác nhau.

Về nội dung và những biện pháp đối với công tác Đội:

+ Cần phát huy tối đa sự tự quản và tinh thần dân chủ trong tổ chức Đội. Giao cho Hội đồng Đội Trung ương sớm soạn thảo ban hành và hướng dẫn thực hiện "Chương trình đội viên", "Quy trình hoạt động của chi đội và liên đội". Khôi phục lại nội san "Người phụ trách", phát triển các hình thức sinh hoạt nghiệp vụ phụ trách như "Câu lạc bộ phụ trách", "Liên đội phụ trách".

+ Tăng cường trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn đối với công tác Đội.
Rà soát, đánh giá tình hình tổ chức hoạt động của Hội đồng Đội từng cấp, có biện pháp lãnh đạo để thực hiện theo quy chế Hội đồng Đội của Ban thường vụ Trung ương Đoàn.

Để động viên kịp thời cán bộ làm công tác phụ trách, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quyết định ban hành danh hiệu và huy chương "Người phụ trách giỏi" để tặng cho các cán bộ có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng. Đây là phần thưởng của Đoàn để đánh giá những cống hiến của lực lượng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội các cấp, hoạt động làm kế hoạch nhỏ xây dựng khách sạn Khăn quàng đỏ được đội viên và thiếu nhi cả nước hưởng ứng sôi nổi và sau một thời gian đã đóng góp được 183.844.676 đồng gửi về tài khoản của Trung ương. Sau 6 năm vận động, triển khai phong trào và được sự ủng hộ của các ngành, đoàn thể và các bậc cha mẹ, ngày 16-5-1987 khối nhà ở của khách sạn được bàn giao và đưa vào sử dụng và một thời gian sau hai khối nhà kiến trúc phù hợp với tuổi thơ, hội trường và khu vườn hoa được hoàn thành đã là nơi đón tiếp thiếu nhi cả nước đến ở, sinh hoạt trong các kỳ đại hội cháu ngoan Bác Hồ hoặc về Hà Nội viếng Bác, thăm Thủ đô đúng theo ý nguyện ban đầu của các em.

Qua phong trào "Kế hoạch nhỏ", ở các tỉnh Phú Khánh, Lâm Đồng, Tây Ninh, Tiền Giang... các em đã góp phần xây dựng công trình "Những chiếc xe khăn quàng đỏ" để mua ô tô phục vụ hoạt động thiếu nhi tại địa phương mình. Phong trào của các em cũng nhận được sự ủng hộ to lớn của các cơ quan, đoàn thể trong việc xây dựng khách sạn Khăn quàng đỏ như sự ủng hộ kinh phí của Hội Liên hiệp phụ nữ, 200m3 gỗ quý của Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân và thanh niên tỉnh Hà Tuyên. Các đơn vị Đội khảo sát đo đạc Bộ tư lệnh Công binh giúp các em không lấy tiền công, Công ty kiến trúc đường sắt của Bộ Giao thông Vận tải, Xí nghiệp xây dựng Ba Đình, Trung đoàn 29, Sư đoàn 319 quân khu 3 vừa ủng hộ vật chất vừa tham gia xây dựng với tinh thần vì thiếu nhi và Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Cũng vào thời điểm này, từ sáng kiến của các bạn thiếu nhi Thái Thịnh (Thái Thụy, Thái Bình) thiếu nhi cả nước đã phát triển rộng khắp phong trào kế hoạch nhỏ với những cách làm phù hợp với từng địa phương như tham gia lao động công ích cho xã hội để bảo vệ mùa màng, các em đội viên ở các tỉnh Thái Bình, Hà Nam Ninh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Vĩnh Phú (cũ)... đã tổ chức "Hội hoa đăng bắt bướm"; các em ở huyện Phước Long (Sông Bé) tổ chức chăm sóc vườn cây cao su và đã dọn sạch được 7 ha vườn cây cao su cho nông trường. Phong trào tổ chức tăng gia sản xuất và chăn nuôi ở chi đội, liên đội hay ở HTX Măng non, liên đội trường PTCS Thắng Lợi (Bắc Thái), các em ở tỉnh Long An tổ chức nuôi nấm mèo, nấm rơm. Các em ở Thuận Hải trồng cây, ươm cây con để bán. Các em ở xã Mỹ Thành (Nghệ Tĩnh) trồng lúa, nuôi cá. Bên cạnh đó còn có những hình thức khác như xây dựng phòng học, đóng bàn ghế hay tổ chức phong trào "Khéo tay hay làm". ở Vũng Tàu, Côn Đảo làm được hơn 2.000 sản phẩm đồ chơi gửi cho các em mẫu giáo nhà trẻ.

Phong trào thu nhặt phế liệu, phế phẩm, thu nhặt giấy vụn, mảnh chai, túi ni lông, hạt táo được triển khai ở hầu khắp các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước thu hút đông đảo thiếu nhi và các lực lượng xã hội tham gia, đặc biệt là ở địa bàn như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Bình. Nhiều đơn vị đã sớm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch nhỏ, ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, thiếu nhi đã có phong trào mót thóc, dùng đất dẻo chấm lúa rơi vãi với khẩu hiệu "Hạt lúa, hạt vàng". ở tỉnh Hậu Giang các em đã tổ chức những ngày thu nhặt thóc rơi ở các nông trường như là những ngày hội với trống, cờ, khẩu hiệu để tạo khí thế. Các em ở Vũng Tàu thu nhặt vỏ sò, bông sứ... bán lấy tiền làm kế hoạch nhỏ. Các em ở Đắc Lắc thu nhặt quả cà phê, các em ở Bắc Thái thu nhặt bông chín, hái nấm hương, mộc nhĩ bán cho ngoại thương để xuất khẩu...

Có thể thấy phong trào kế hoạch nhỏ đã làm phong phú thêm hoạt động Đội, tạo không khí thi đua rất sôi nổi giữa các thành phố, giữa các chi đội, liên đội với nhau. Qua phong trào đã có quỹ phục vụ cho hoạt động Đội, xây dựng được cơ sở vật chất ở các chi đội, liên đội như mua trống, cờ, khăn quàng đỏ.

Thực hiện kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã chú trọng việc biểu dương, lựa chọn, khuyến khích đội ngũ cán bộ phụ trách. Gần 30 tỉnh, thành đã tổ chức các cuộc liên hoan, gặp mặt phụ trách giỏi, tiến tới liên hoan toàn quốc từ ngày 12 đến ngày 16-11-1988. Đây là Hội nghị cán bộ phụ trách giỏi toàn quốc đầu tiên, kể từ khi thống nhất Tổ quốc được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và Bút Tháp (huyện Thuận Thành - Bắc Ninh). Về dự cuộc liên hoan có 216 đại biểu phụ trách giỏi toàn quốc trong đó có 187 phụ trách giỏi các tỉnh, thành và các đơn vị quân đội, công an; 29 cán bộ phụ trách ở Trung ương và các phụ trách cơ sở.

Cuộc liên hoan lần này khẳng định sự trưởng thành và cống hiến của lực lượng phụ trách Đội và đã tuyên dương những anh chị phụ trách giỏi tiêu biểu của cả nước. Tại cuộc gặp gỡ cho thấy phong trào thi đua phấn đấu trở thành "Tổng phụ trách giỏi, cán bộ phụ trách giỏi" gắn với danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp đã trở thành nền nếp, thường xuyên hàng năm. Nhiều đề tài, sáng kiến của các anh chị phụ trách được khẳng định có giá trị lí luận và thực tiễn nhất là ở các tỉnh như Sông Bé, Bắc Thái, Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh...

Trưởng thành và có nhiều cống hiến quý báu cho công tác phụ trách Đội và phong trào nhiều năm, trong đội ngũ cán bộ phụ trách đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu mà điển hình là người giáo viên Tổng phụ trách giỏi Nguyễn Đức Thìn (Tam Sơn - Tiên Sơn - Bắc Ninh) được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân vì tấm lòng cao cả hết mực thương yêu, chăm sóc đàn em, có nhiều sáng kiến và cách làm có hiệu quả trong công tác phụ trách Đội. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Hội đồng Đội các cấp và lớp lớp cán bộ Tổng phụ trách tuy gặp nhiều khó khăn về thời gian, về cuộc sống kinh tế gia đình, về nghiệp vụ nhưng bằng tâm huyết, bằng ý thức trách nhiệm của người thầy, người anh, người chị phụ trách, và bằng cả vốn nghề nghiệp đã được tích lũy với nhiều sáng tạo đóng góp tích cực trong công tác phụ trách. Chị Nguyễn Thị Dũ, Tổng phụ trách trường PTCS Tân Hiệp A, huyện Châu Thành (Tiền Giang) suốt 13 năm liền kiên trì xây dựng phong trào chi đội mạnh có kết quả, có sáng kiến duy trì được giờ sinh hoạt đội thành nền nếp. Từ phong trào, chị Dũ trở thành Tổng phụ trách giỏi, chiến sĩ thi đua liên tục của ngành giáo dục. Chị Trần Thị Châu, Tổng phụ trách trường PTCS Việt Thanh, Trấn Yên, Yên Bái tuy gia đình gặp rất nhiều khó khăn nhưng kiên trì làm công tác phụ trách 17 năm liền và hàng vạn anh, chị phụ trách Đội khác đang ngày đêm tìm mọi cách làm tốt nhất để xây dựng tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh ngày càng vững mạnh, thúc đẩy phong trào, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi ngày càng có hiệu quả thiết thực. Chị Nguyễn Thị Len, Tổng phụ trách trường PTCS An Tiến, Kiến An, Hải Phòng nhiều năm liền kiên trì xây dựng và tổ chức Sao nhi đồng đi vào hoạt động có nội dung, có nền nếp. Không những làm tốt công tác phụ trách trong trường, nhiều anh, chị Tổng phụ trách đã cố gắng đi vào địa bàn dân cư để đưa hoạt động của các em đi học gắn với thực tiễn, đáp ứng sở thích, nguyện vọng của các em và hàng nghìn anh chị phụ trách đã có nhiều sáng tạo trong công tác tổ chức hướng dẫn cho các em hoạt động thiết thực, bổ ích trong các HTX Măng non, các Đội Tuyên truyền Măng non phục vụ kịp thời cho yêu cầu giáo dục và gắn với yêu cầu tuyên truyền cổ động của Đảng và Nhà nước ở các vùng cao biên giới...
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeThu Dec 27, 2007 7:13 am

Cũng ở thời điểm này, trên địa bàn dân cư, một "trận địa" đa dạng có nhiều khó khăn phức tạp, nhiều cán bộ phụ trách đã dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng, đấu tranh với bản thân, với môi trường công tác để làm tốt công tác phụ trách và đã có nhiều thành công như chị Nguyễn Thị Ngọc ánh, cán bộ Hội đồng Đội huyện Xuyên Mộc, tỉnh Đồng Nai tình nguyện đi vùng kinh tế mới của huyện chỉ đạo cơ sở liên tục gần 6 năm, đã thành công trong việc mở lớp bồi dưỡng BCH Đội với 8 lớp cho 405 em. Anh Lê Văn Chước là thương binh dũng cảm trong chiến đấu, trở về lao động công tác ở địa phương đã trở thành anh phụ trách năng động, kiên trì suốt 13 năm gắn bó với tổ chức Đội và các em ở xã Đông Thành, Đông Sơn, Thanh Hóa.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, bồi dưỡng, đào tạo và hướng dẫn nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ phụ trách của 80 cung, nhà thiếu nhi, khoa thiếu nhi các trường Đoàn, 2 trường Đội của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các trường sư phạm đã đóng góp nhiều kinh nghiệm có giá trị cả về thực tiễn chỉ đạo phong trào và nghiên cứu lí luận về công tác phụ trách. Nhiều giáo viên khoa công tác thiếu nhi trường Đoàn Trung ương, trường Đội Lê Duẩn Hà Nội, trường Đội thành phố Hồ Chí Minh có nhiều sáng kiến, nhiều công trình có giá trị trong việc gắn bó giảng dạy với việc hướng dẫn hoạt động thực tiễn. Tiêu biểu là cuốn sách "Lao động của người phụ trách" của Hồng Trực thành phố Hồ Chí Minh đã được xuất bản; Nguyễn Văn Minh (Nghệ An) có hàng chục năm tuổi nghề vẫn luôn luôn say sưa gắn bó với công việc hướng dẫn đào tạo các em cho đến khi nghỉ hưu.

Nhiều anh chị đã dành trọn cả cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi và xây dựng tổ chức Đội vững mạnh, có thể nói mỗi anh chị là một tấm gương tiêu biểu cho các em noi theo.

Sự hy sinh, đóng góp của đội ngũ cán bộ phụ trách trong quá trình phấn đấu vượt qua những cam go, thử thách mới đã và đang đặt ra qua những lời căn dặn ân cần của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: "Không ai có khả năng làm tốt nhiệm vụ phụ trách thiếu niên nhi đồng bằng Đoàn thanh niên. Tôi mong Đoàn cần có kế hoạch thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ phụ trách Đội giàu tình thương và tinh thần trách nhiệm, có kiến thức và phương pháp vận động, tổ chức và giáo dục các em, làm gương tốt cho các em noi theo.

Hơn bao giờ hết, lúc này trong công tác thiếu nhi, người phụ trách phải thật sự tôn trọng sự tự quản của Đội, phát huy tinh thần dân chủ của các em trong tổ chức Đội, trong từng hoạt động của Đội.

Đối tượng mà các đồng chí phụ trách là trẻ em, cho nên công việc của các đồng chí có không ít khó khăn, phức tạp. Không phải bất cứ ai cũng làm được tốt công tác phụ trách thiếu nhi, vì ngoài sự tận tụy và các phẩm chất tốt đẹp, còn đòi hỏi những yêu cầu khác. Đó là lòng nhiệt tình yêu trẻ, là nghệ thuật giao tiếp và làm việc với trẻ em. Các đồng chí luôn ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Làm sao cho các cháu khi chơi là được học, mà trong khi học vui vẻ như được chơi". Có làm được như vậy thì Đoàn và Đội mới có thể thu hút mạnh mẽ các em tham gia các hoạt động tập thể của mình".

Để ghi nhận thành tích của lực lượng phụ trách Đội, nhiều ngành, nhiều cấp như Tổng Công đoàn Việt Nam đã tặng Bằng lao động sáng tạo cho các anh chị phụ trách có quá trình hoạt động và nghiên cứu sáng tạo, Trung ương Hội phụ nữ cũng tặng Bằng khen và phần thưởng cho các phụ trách Đội là nữ, Bộ Giáo dục đã tặng Bằng khen và phần thưởng cho các giáo viên Tổng phụ trách giỏi các địa phương.

Công tác Đội và phong trào thiếu nhi tiếp tục được nâng cao và phát triển đạt những thành tựu mới. Cuộc vận động "Hành quân theo chân Bác", hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu đã tạo cho đội viên, thiếu nhi cả nước có nhiều sáng kiến trong phong trào thi đua "Nói lời hay, làm việc tốt phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ". Và để rồi từ ngày 30-6 đến 4-7-1990, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ III đã được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Đại hội khai mạc tại Hội trường lớn của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. 189 đại biểu cháu ngoan Bác Hồ của 43 tỉnh thành và đại biểu cháu ngoan Bác Hồ thuộc đoàn Quân đội, Đường sắt trong đó có 62 nam và 127 nữ; 45 anh chị phụ trách giỏi tiêu biểu của các tỉnh thành và các đơn vị trực thuộc đại diện cho hàng vạn anh chị phụ trách cả nước đã về dự cùng với các cháu ngoan Bác Hồ; các đoàn đại biểu của Đội TNTP Lênin - Liên Xô; Đội thiếu niên Lào, Campuchia đến Việt Nam và tham gia các hoạt động của Đại hội.

Trong phấn đấu thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy để trở thành những cháu ngoan Bác Hồ đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong học tập, giúp nhau vượt khó để đến trường học giỏi. Đó là những tấm gương cháu ngoan Bác Hồ làm tốt công tác Trần Quốc Toản để tạo nên 1,9 triệu ngày công giúp gia đình thương binh, liệt sĩ, neo đơn và hơn 700.000 công tu sửa làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ ở khắp các địa phương. Hàng trăm tấm gương dũng cảm cứu bạn và tham gia bắt kẻ gian bảo vệ xóm làng. Các đại biểu vui mừng báo cáo với các cô, bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bậc cha mẹ của mình về Đội TNTP Hồ Chí Minh, tổ chức của thiếu nhi Việt Nam. Các hoạt động của Đội đã hấp dẫn cuốn hút thiếu nhi cả nước. Đội đã thu hút 6 triệu đội viên và 4 triệu nhi đồng vào sinh hoạt ở hàng nghìn Sao nhi đồng.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, bác Võ Chí Công, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tuyên dương thành tích của Đội TNTP Hồ Chí Minh và cháu ngoan Bác Hồ cả nước:
"Các cháu hãy tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả của phong trào thi đua "Nói lời hay, làm việc tốt", "Phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ", để tới Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ tư, chúng ta đều phấn khởi tự hào báo công trước Bác Hồ kính yêu là tất cả các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đều có cử chỉ đẹp, lời nói hay, việc làm tốt, mãi mãi xứng đáng với muôn vàn tình thương yêu của Bác Hồ, mãi mãi xứng đáng là "Cháu ngoan Bác Hồ".

Sau buổi khai mạc trọng thể, Đại hội đã vào Lăng viếng Bác Hồ kính yêu và tổ chức các hoạt động ở Hà Nội, các đại biểu cháu ngoan Bác Hồ đã lên tàu hành quân vào Nghệ An quê Bác kính yêu với nhiều hoạt động bổ ích để rồi cùng thiếu nhi cả nước tập trung thực hiện tốt phong trào thi đua với những nội dung:

+ Đẩy mạnh phong trào thi đua "Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ" cả ở trong trường học, trên địa bàn dân cư và trong từng gia đình.

+ Tổ chức và tham gia tích cực các hoạt động xã hội như: Cuộc vận động xóa mù chữ, vận động các bạn bỏ học đến trường và vào học các lớp học tình thương, giúp các bạn gặp khó khăn về kinh tế, bệnh tật, sức khỏe, tích cực tham gia các phong trào Trần Quốc Toản, Chữ thập đỏ, bảo vệ giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nếp sống văn minh lành mạnh, vận động các bạn không hút thuốc, không xem sách, phim ảnh, nghe băng nhạc có nội dung xấu.

+ Mỗi tháng chọn một ngày thiếu nhi làm chủ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tổ chức vui chơi giải trí lành mạnh tại các nhà thiếu nhi, các tụ điểm trên địa bàn dân cư, tham gia Hội khỏe Phù Đổng, tiếng hát Hoa phượng đỏ, các cuộc thi viết vẽ, thi văn nghệ, thi tuổi thơ sáng tạo nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Đoàn và 50 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, xây dựng các "Công trình Măng non", xây dựng Đội vững mạnh giới thiệu các đội viên lớn lên Đoàn góp phần tích cực xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh.

Sau Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ III, thực hiện lời hứa của mình, đội viên thiếu niên cả nước đã tích cực thi đua "Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành Cháu ngoan Bác Hồ".

Các hoạt động của Nhà thiếu nhi càng ngày càng phát triển đã góp phần tích cực vào các phong trào của Đội để trở thành Trung tâm Giáo dục hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với sự phát triển từ 86 đơn vị đã tăng lên 167 Cung thiếu nhi ở các tỉnh và các quận huyện cùng các điểm vui chơi ở xã, phường vào năm 1991. Để tạo thời cơ cho hệ thống Nhà thiếu nhi càng ngày càng phát triển và trở thành ngôi nhà chung của tuổi thơ, hè năm 1991, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa và Thông tin tổ chức Liên hoan các Nhà thiếu nhi toàn quốc lần thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội. Liên hoan diễn ra từ ngày 5 đến 10-8-1991 có 28 đơn vị Cung, Nhà thiếu nhi và hơn 308 diễn viên nhỏ tuổi và 181 các anh chị phụ trách, giáo viên đạo diễn tham dự.

Buổi lễ tổng kết trao giải của cuộc liên hoan các Nhà thiếu nhi đã được Trung ương Đoàn, Bộ Văn hóa Thông tin - thể thao và du lịch tặng Bằng khen, các loại huy chương vàng, bạc và nhiều phần thưởng khác.

Trong các cuộc thi đơn ca, vẽ, kể chuyện có 30 diễn viên, họa sĩ nhỏ tuổi đã được tặng huy chương vàng, bạc và các giải thưởng của Ban Tổ chức.

Liên hoan Nhà thiếu nhi toàn quốc lần thứ nhất là ngày hội của thiếu nhi cả nước, qua đó khẳng định các tài năng trẻ của đất nước. Nhà thiếu nhi trở thành ngôi nhà của tuổi thơ, chiếc nôi ươm mầm, những nghệ sĩ, vận động viên, các nhà khoa học, nhà thơ, văn, những nhân tài của Tổ quốc sau này. Sau cuộc liên hoan, vị trí xã hội của các Nhà thiếu nhi được khẳng định rõ thông qua ba chức năng cơ bản là trung tâm hoạt động của thiếu nhi từng địa phương, là trung tâm phương pháp công tác Đội và phong trào thiếu nhi và là sự phát hiện góp phần bồi dưỡng các năng khiếu thiếu nhi về các bộ môn nghệ thuật, thể dục thể thao, ngoại ngữ và các hoạt động xã hội khác. Với những kết quả đó, hệ thống Nhà thiếu nhi đã được các bộ ngành càng ngày càng quan tâm hỗ trợ các điều kiện để hoạt động, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa và Thông tin. Cũng bắt đầu từ đây, các Nhà thiếu nhi được Bộ văn hóa và Thông tin tài trợ, sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Nhà nước đầu tư thiết bị vật chất theo dự án hàng năm.

Tháng 8 năm 1991, Quốc hội khóa VII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam họp kỳ thứ 9 đã xem xét thông qua Luật bảo vệ, chăm sóc và và giáo dục trẻ em. Nhà nước ta đã ký và phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Đây là Công ước được Liên hiệp quốc thông qua ngày 20-11-1989 và trở thành luật quốc tế từ ngày 2-9-1990. Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên ở châu á tham gia ký Công ước quốc tế. Ngày 16-8-1991, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký lệnh Công bố Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đây là cơ sở rất quan trọng nhằm thúc đẩy sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em; tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em phát triển và trưởng thành. Luật đã quy định rõ các quyền và bổn phận cơ bản của trẻ em, đồng thời quy định rất rõ về trách nhiệm của Nhà nước, của các ngành đoàn thể, của cha mẹ, mọi công dân Việt Nam. Bộ luật cũng quy định nhiều nội dung liên quan đến công tác Đội và phong trào thiếu nhi, tại khoản 2 điều 18: "Cô nuôi dạy trẻ, giáo viên, tổng phụ trách Đội phải được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, phải có sức khỏe, có phẩm chất, đạo đức tốt, yêu nghề, yêu trẻ, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ" và khoản 3 điều 21 quy định: "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngoài trách nhiệm quy định như khoản 1, Điều này, có nhiệm vụ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, tổ chức, hướng dẫn hoạt động của thiếu nhi".

Sau khi Nhà nước ta ký Công ước về quyền trẻ em, theo đề nghị của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đã quyết định đổi tên ủy ban thiếu niên nhi đồng Việt Nam thành ủy ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Việt Nam trực thuộc Chính phủ vào tháng 11 năm 1991 do Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh làm Chủ tịch.
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeThu Dec 27, 2007 7:13 am

Để góp phần thực hiện tốt Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, giúp đỡ các em không có đủ điều kiện đến trường, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn. Tại Hội nghị toàn quốc công tác Đội và phong trào thiếu nhi gồm Chủ tịch Hội đồng Đội và Giám đốc Nhà thiếu nhi các tỉnh, thành họp tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 4-1992, Hội đồng Đội Trung ương cùng các tỉnh thành thống nhất phát động phong trào mới của Đội mang tên "Thiếu nhi nghèo vượt khó".

Cuộc "Gặp mặt thiếu nhi nghèo vượt khó" được tổ chức vào ngày 27-6 đến 1-7-1992 với những tấm gương sáng vượt khó tiêu biểu. Cuộc gặp mặt được tổ chức như một diễn đàn của tuổi thơ đầy tình cảm giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, các lực lượng xã hội và các bậc cha mẹ. Em Lê Hồng Sơn ở Phú Gia (Hương Sơn, Hà Tĩnh) bị dị tật cả hai tay co rút, hai chân teo, biến dạng nhưng lại học giỏi viết chữ đẹp, làm giỏi nghề mộc.. cùng nhiều em khác đã nói lên ước mở trở thành người công dân có ích cho xã hội trong tương lai gây nên sự xúc động sâu sắc...

Từ cuộc gặp mặt này Hội đồng Đội Trung ương đã có sáng kiến xây dựng quỹ "Thiếu nhi nghèo vượt khó" thu hút sự quan tâm ủng hộ của các cấp các ngành để hàng năm tặng cho hàng trăm thiếu nhi có thành tích vượt khó trong học tập, phấn đấu rèn luyện trong cuộc sống hàng ngày. Có thể nói cuộc Gặp mặt thiếu nhi nghèo vượt khó là sáng kiến của Đội TNTP Hồ Chí Minh đã tác động đến các phong trào quần chúng khác và là việc làm thiết thực phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước ta sau đó nhiều phong trào "Nghèo vượt khó" của sinh viên, nông dân... được phát động trên phạm vi cả nước.

Sau cuộc "Gặp mặt thiếu nhi nghèo vượt khó" toàn quốc, các hoạt động của Đội và phong trào thiếu nhi càng ngày càng phát triển. Các liên đội trong cả nước thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI (tháng 10 - 1992) đã tập trung đánh giá tình hình công tác Đội và phong trào thiếu nhi, đồng thời nêu rõ những chủ trương chủ yếu của giai đoạn 1992 - 1997. Sau Đại hội, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn đã thành lập Hội đồng Đội khóa III gồm 21 ủy viên. Chị Phạm Phương Thảo, Bí thư Trung ương Đoàn được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng Đội khóa III, và sau đó tháng 10 - 1994 anh Hoàng Bình Quân, ủy viên Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng
Đội Trung ương được bầu làm Bí thư Trung ương và được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng Đội khóa III thay chị Phạm Phương Thảo.

Thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về công tác miền núi, các hoạt động giúp thiếu nhi miền núi của Đội đã tạo điều kiện cho các cơ sở Đội và hoạt động của thiếu nhi dân tộc ngày một tiến bộ. Nhiều tổ chức cơ sở Đội và nhiều gương đội viên xuất sắc của các dân tộc đã xuất hiện với các phong trào khắc phục khó khăn để học giỏi, dũng cảm bảo vệ buôn làng, cùng với những tài năng trẻ về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao... góp phần vào sự phát triển chung của tuổi thơ đất nước. Để kịp thời biểu dương những thành tích xuất sắc đó, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức cuộc họp mặt thiếu nhi các dân tộc toàn quốc tại Hà Nội và Hải Phòng từ ngày 2 - 7 đến 6-7-1993 với 225 đại biểu và anh chị phụ trách thiếu nhi cả nước về dự trong đó có 168 đại biểu thiếu nhi (101 nữ, 67 nam) của 41 dân tộc đại diện cho 54 dân tộc trong cả nước và 56 anh chị phụ trách (23 nữ, 33 nam) của 53 tỉnh, thành và đoàn Quân đội, Bộ Nội vụ, Hàng không Việt Nam, Đường sắt. Thể theo nguyên vọng của thiếu nhi các dân tộc trong cả nước, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đồng ý cho phép các đại biểu thiếu nhi làm lễ hội báo công tại sân đá hoa cương ở Phủ Chủ tịch - nơi Bác Hồ trước đây thường đón các cháu thiếu nhi vào gặp. Trong lễ hội báo công này, đúng vào dịp kỳ họp của Quốc hội khóa IX các đại biểu thiếu nhi dân tộc đã được đón bác Lê Đức Anh, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, bác Nông Đức Mạnh, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước cộng hoà XHCN Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, đoàn thể tới dự. Đặc biệt trong lễ hội khai mạc, đại biểu thiếu nhi các dân tộc được đón các cô, bác trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh trong cả nước tới dự và gặp gỡ các cháu.

Báo cáo được trình bày tại cuộc liên hoan đã khẳng định: "Cuộc họp mặt lần này là một cuộc biểu dương lực lượng của tuổi thơ các dân tộc đang phát triển trên Tổ quốc Việt Nam yêu quý".

Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh rất tự hào về các bạn đại biểu có mặt ở cuộc gặp mặt này. Vì mỗi bạn là một gương sáng, mỗi bạn là một bông hoa đẹp góp vào trang sử vàng của Đội.

Sau khi nghe các cháu báo công những thành tích của thiếu nhi các dân tộc trong cả nước và phần trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi trường múa Việt Nam thể hiện các phong trào của Đội và các vũ điệu dân gian cùng với dàn cồng chiêng của tỉnh Hòa Bình, bác Lê Đức Anh đã phát biểu khen ngợi các cháu và đánh những hồi trống thúc giục thiếu nhi các dân tộc trong cả nước tiếp bước những người anh hùng để phấn đấu rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

Bác Chủ tịch nước đã phát biểu:

"Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các bậc cha mẹ rất vui mừng biết rằng thiếu nhi các dân tộc cả nước ta đã đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau khắc phục nhiều khó khăn để học tập, rèn luyện và công tác Đội tốt. Nhiều tập thể Đội và đội viên ở các vùng núi cao, hải đảo.. đã góp phần cùng cha mẹ xây dựng bản làng có cuộc sống đẹp hơn. Nhiều gương sáng của thiếu nhi các dân tộc đã được thiếu nhi cả nước học tập, đã làm đẹp thêm trang sử của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh mà Kim Đồng, Vừ A Dính, Kơpa Kơlơng và nhiều anh hùng thiếu nhi năm xưa đã viết nên.

Bác mong thiếu nhi các dân tộc trong cả nước hãy phát huy truyền thống đoàn kết của cha ông, giúp đỡ lẫn nhau để cháu nào cũng được học tập, vui chơi sinh hoạt Đội; để cháu nào cũng "nói lời hay, làm việc tốt", giúp đỡ cha mẹ, trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ".

Sau các ngày hoat động ở Hà Nội, đại biểu thiếu nhi các dân tộc đã tới thành phố cảng Hải Phòng, bãi biển Đồ Sơn tham quan và tổ chức các hoạt động. Các đại biểu đã được lãnh đạo Thành ủy, ủy ban nhân dân, các bạn thiếu nhi Hải Phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân đón tiếp nồng nhiệt. Đồng thời Bộ Tư lệnh Hải quân còn tổ chức cho tham quan các chiến hạm và gặp gỡ các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm gìn giữ biển Đông và những hải đảo yêu quý của Tổ quốc. Sau lễ bế mạc, đại biểu các tỉnh phía Nam và Sơn La, Lai Châu đã được Tổng cục Hàng không Việt Nam tặng vé máy bay để trở về địa phương. Cuộc gặp mặt đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các em.
Về Đầu Trang Go down
oc_ngao

oc_ngao


Tổng số bài gửi : 218
Registration date : 17/07/2007

ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitimeThu Dec 27, 2007 7:15 am

Bước vào năm học 1993 - 1994, sau thời gian nghiên cứu tiếp thu nội dung chương trình rèn luyện đội viên do Hội đồng Đội Trung ương khóa I ban hành năm 1993, Hội đồng Đội Trung ương khóa III đã bổ sung và ban hành chương trình rèn luyện đội viên theo 4 lứa tuổi:

- Chương trình dự bị đội viên cho các em nhi đồng từ 6 đến 8 tuổi.
- Chương trình Măng non dành cho các em đội viên từ 9 đến 11 tuổi.
- Chương trình Sẵn sàng dành cho các em đội viên từ 11 đến 13 tuổi.
- Chương trình Trưởng thành dành cho các em đội viên từ 13 đến 15 tuổi.

Sau một năm thực hiện, Hội đồng Đội Trung ương
ban hành tiếp 13 chuyên hiệu để tạo điều kiện cho đội viên học tập, phấn đấu và rèn luyện thực hiện tốt chương trình rèn luyện đội viên theo lứa tuổi của mình. Đó là các loại chuyên hiệu:

1. Nhà sử học nhỏ tuổi
2. Nhà sinh học nhỏ tuổi
3. Thầy thuốc nhỏ tuổi
4. Nghi thức đội viên
5. An toàn giao thông
6. Kỹ năng trại.
7. Thông tin liên lạc
8. Nghệ sĩ nhỏ
9. Chăm học
10. Khéo tay hay làm
11. Vận động viên nhỏ tuổi
12. Hữu nghị quốc tế.
13. Bảo vệ an toàn đường sắt.

Chương trình rèn luyện đội viên được Hội đồng Đội Trung ương ban hành là những nội dung giáo dục cơ bản để đội viên phát huy tính tự giác, chủ động phấn đấu rèn luyện góp phần nâng cao chất lượng học tập, phẩm chất đạo đức để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ đồng thời xây dựng Đội vững mạnh. Sau khi Hội đồng Đội Trung ương ban hành, các tỉnh, thành đã vận dụng sáng tạo tổ chức các nội dung hoạt động, nhiều hình thức sinh hoạt bổ ích, đáp ứng nhu cầu của đội viên, thiếu niên nhi đồng đồng thời góp phần để hoạt động Đội trở nên đa dạng và sinh động hơn.

Năm 1994, kết thúc "Cuộc hành quân theo bước chân những người anh hùng", đặc biệt là hướng về ngày kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, đồng thời để đánh giá những kết quả thi đua của đội viên thiếu niên, nhi đồng cả nước, Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức "Liên hoan chiến sĩ nhỏ Điện Biên Phủ toàn quốc lần thứ II" từ ngày 28-6 đến 7-7-1994 tại Điện Biên Phủ - Hà Nội - Quảng Ninh. 185 chiến sĩ nhỏ Điện Biên xuất sắc gồm 125 nữ, 60 nam và 50 anh chị phụ trách Đội giỏi của cả nước về dự.

Trước lễ báo công, ngành hàng không Việt Nam đã dành một chuyên cơ đưa đoàn đại biểu "chiến sĩ nhỏ Điện Biên" xuất sắc do anh Hoàng Bình Quân, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương dẫn đầu lên thăm Chỉ huy sở chiến dịch - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tham mưu chiến dịch chỉ huy các cuộc tấn công của quân đội nhân dân Việt Nam đánh vào các cứ điểm của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Các đại biểu đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ ở nghĩa trang Điện Biên. Tổ chức Lễ lấy đất từ Điện Biên lịch sử để đưa về bảo tàng.

Tối ngày 3-7-1996 tại Trung tâm thể thao Quân đội, bên Tháp Cột Cờ, Hà Nội, lễ mừng công đã được long trọng khai mạc. Các đại biểu được đón bác Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bác Nông Đức Mạnh, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng chỉ huy chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và các cô, bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, đoàn thể đến dự. Sau hoạt cảnh sử thi về Điện Biên và các phong trào của Đội, các chiến sĩ nhỏ Điện Biên đã được nghe lời khen ngợi, căn dặn của bác Tổng Bí thư đối với đội viên, thiếu niên nhi đồng cả nước:

Phong trào thi đua "Chúng em về với Điện Biên" do Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh phát động đã tạo những hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa giáo dục lớn về truyền thống cách mạng, về "Anh bộ đội Cụ Hồ". Các cháu đã làm vui lòng các bậc cha mẹ, thầy cô giáo... trong học tập, rèn luyện và lao động. Các cháu đã làm nên những chiến thắng của mình. Đó là hàng vạn "Sao chiến công" trong học tập, hàng triệu ngày công giúp gia đình thương binh liệt sĩ, quyên góp hàng trăm triệu đồng để giúp các bạn nghèo, các bạn ở vùng khó khăn đến trường... Các cháu đã thực hiện được lời dạy của Bác Hồ căn dặn năm xưa:

"Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình"

Bước vào năm học 1994 - 1995, năm học có nhiều ngày lễ trọng đại kỷ niệm 50 năm thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 65 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 105 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, 20 năm chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng và thống nhất
Tổ quốc và phong trào thiếu nhi cả nước thi đua lập thành tích để tiến tới Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IV.

Hè năm 1995, từ ngày 2-7 đến 6-7-1995 Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IV được tổ chức ở Đền Hùng - Phú Thọ và Thủ đô Hà Nội. Về dự Đại hội có 179 đại biểu (76 nam, 103 nữ, 25 đại biểu dân tộc ít người) và 58 anh chị phụ trách giỏi của 53 tỉnh thành, 4 đơn vị trực thuộc cùng với đoàn thiếu nhi Việt kiều 4 em và 1 phụ trách từ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào về dự.

Tại Đại hội, các đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ đã được đón chào bác Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bác Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội, bác Nguyễn Thị Bình và các cô bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước các Bộ, ngành đến dự.

Tại Lễ báo công, các Đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ đã báo cáo những kết quả công tác Đội và phong trào thiếu nhi cả nước đạt được từ Đại hội lần thứ III đến nay.
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA   ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA - Page 2 Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG CỦA CHÚNG TA
Về Đầu Trang 
Trang 2 trong tổng số 3 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3  Next
 Similar topics
-
» NHỮNG NGƯỜI THƯƠNG CHÚNG TA NHẤT !
» KEM LÊ HỒNG PHONG
» ẢNH PHONG CẢNH THIÊN NHIÊN, CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: CHUYÊN MÔN RÈN LUYỆN-
Chuyển đến